Lực lượng Nga và Ukraine luôn áp dụng nhiều chiến lược mới trong 29 tháng xung đột, đồng thời triển khai các công nghệ tiên tiến nhằm nỗ lực giành được lợi thế quyết định.
Trong lúc cuộc xung đột tiếp diễn với nhiều chuyển biến mới, một khía cạnh cụ thể vẫn không thay đổi là 2 bên vẫn dựa rất nhiều vào pháo binh. Hầu hết thiệt hại trong chiến đấu đến nay chủ yếu là do pháo, được mệnh danh là "vua chiến trận", theo Forbes.
Vũ khí nào là "vua chiến trường" trong xung đột Nga-Ukraine?
Trên thực tế, lực lượng Nga khai hỏa khoảng 10.000 quả, trong khi Ukraine bắn khoảng 2.000 quả đạn pháo hằng ngày.
Giới phân tích cho rằng sự lệ thuộc này sẽ tiếp diễn, khi cả 2 bên tiếp tục phát triển các chiến thuật mới và tích hợp công nghệ mới nhằm tăng cường hỏa lực pháo binh.
Dàn trận
Trong khi mọi quân đội hiện đại đều sử dụng pháo binh, Nga và Ukraine đều tuân thủ học thuyết của Liên Xô cũ, khi ủng hộ việc sử dụng pháo hạng nặng.
Ngày nay, các chiến dịch của Nga và Ukraine tập trung vào việc dàn các khẩu pháo vào những vị trí then chốt, giúp chúng nhằm mục tiêu vào đối phương.
Việc triển khai pháo binh hợp lý đóng vai trò quan trọng, giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công ban đầu của Nga và giúp Nga ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine.
Hiện tại trong cuộc xung đột, lực lượng Ukraine đã bố trí pháo binh trong và xung quanh các thành trì phòng thủ ở các vùng Luhansk, Donetsk và Kharkiv.
Đơn giản mà hiệu quả
Nga và Ukraine đã tích hợp pháo binh của mình với việc sử dụng rộng rãi các thiết bị tác chiến điện tử, nhằm củng cố vai trò pháo binh trong các hoạt động tác chiến. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần, hệ thống này trở nên kém hiệu quả khi đối phương phát hiện ra lỗ hổng trong hệ thống mới và khai thác nó bằng chiến tranh điện tử.
Trong khi đó, đạn pháo thiếu các thiết bị điện tử bên để có thể bị gây nhiễu, khiến chúng trở thành vũ khí đáng tin cậy để tiêu diệt các mục tiêu đối phương. Giới quan sát cho rằng dù tác chiến điện tử dự kiến đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến, cả 2 bên có thể sẽ quay trở lại sử dụng các hệ thống pháo binh truyền thống hơn.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW-Mỹ), Ukraine có kế hoạch giữ các cứ điểm phòng thủ này trong ít nhất 6 tháng tới, củng cố các vị trí này bằng các vành đai chướng ngại vật được pháo binh giám sát để ngăn chặn các cuộc tấn công cơ giới của Nga.
Kết quả là quân Nga buộc phải tiến hành các cuộc tấn công theo từng đơn vị nhỏ nhằm cố gắng đánh chiếm các vị trí phòng thủ này. Những cuộc tấn công này được gọi là "máy xay thịt" và không mấy thành công.
Trong khi đó, lực lượng Nga đang sử dụng các trận địa pháo lớn nhằm phá hủy các vị trí phòng thủ của Ukraine, trong đó có các ụ pháo binh.
Châu Âu thổi phồng khả năng sản xuất khi hứa cung cấp đạn pháo cho Ukraine
Hàng loạt loại pháo
Cả 2 bên đều có hàng loạt những loại pháo ấn tượng. Ukraine đã sử dụng kết hợp các thiết bị cũ từ thời Liên Xô, chẳng hạn như pháo 2S3 Akatsiya và các thiết bị mới hơn do NATO cung cấp, bao gồm M109 Paladin của Mỹ, AS-90 của Anh và Caesar của Pháp.
Ngoài ra, Ukraine cũng đang tự sản xuất pháo tự hành 2S22 Bohdana, được tài trợ một phần thông qua viện trợ nước ngoài.
Một thách thức là thiết bị do NATO cung cấp sử dụng các loại đạn có kích cỡ khác với thiết bị của Đông Âu, dẫn đến việc Ukraine phải phụ thuộc vào đạn dược do NATO cung cấp.
Các gói viện trợ gần đây nhất của Anh và Mỹ dành cho Ukraine bao gồm một số lượng lớn đạn dược, bên cạnh đó còn có thêm nhiều khẩu AS-90 và M109 Paladins.
Trong khi đó, quân đội Nga có nhiều pháo binh hơn bất kỳ quân đội nào trên thế giới, với số lượng pháo binh nhiều gấp 3 lần quân đội Mỹ.
Nga sử dụng sự kết hợp giữa pháo tự hành thời Liên Xô cũ như MS19 Msta-S và các hệ thống mới hơn như 2S33 Msta-SM2.
Đáng chú ý, cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga có mạng lưới cung cấp mạnh mẽ và có công suất sản xuất 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, theo CNN dẫn ước tính tình báo của NATO.
Bình luận (0)