Xung đột ở Ukraine đe doạ an ninh lương thực toàn cầu ra sao?

24/06/2022 14:20 GMT+7

Sau hơn 4 tháng Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine đang bế tắc trong việc tìm đường xuất khẩu cho ngũ cốc và dầu thực vật.

Các nước phương Tây nói Nga tạo ra nguy cơ nạn đói trên toàn cầu khi phong tỏa các cảng trên biển Đen của Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc này mà quy trách nhiệm cho các lệnh cấm vận của phương Tây.

Cuộc xung đột ở Ukraine cùng với các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và nhiên liệu tăng vọt.

Điều này đe dọa dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vì nhiều nước đang lệ thuộc vào lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, trong đó có những quốc gia nghèo nhất.

Nga và Ukraine chiếm tổng cộng 1/3 nguồn cung lúa mì của thế giới. Ukraine cũng là nhà xuất khẩu lớn về ngô, lúa mạch, dầu huóng dương, dầu hạt cải.

Còn Nga và Belarus, nước cũng đang bị cấm vận vì ủng hộ Moscow, chiếm 40% xuất khẩu toàn cầu về kali để làm phân bón.

Tình hình lại còn khó khăn hơn khi Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực, trong khi thời tiết không thuận lợi ở Bắc Mỹ và Tây Âu.

Trước thềm tháng lễ Ramadan, một số cư dân trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi lo ngại họ sẽ không đủ tiền lo các bữa ăn vì giá lương thực toàn cầu tăng vọt do chiến tranh ở Ukraine.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tác động của cuộc xung đột Ukraine nhanh chóng ảnh hưởng những người dân vốn đã dễ bị tổn thương trong khu vực như Lebanon, nơi 80% sống dưới mức nghèo khổ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 11.6 cáo buộc Nga đang phong tỏa các cảng ở biển Đen và biển Azov, đồng thời kiểm soát không cho hàng hoá của Ukraine đi ra khỏi khu vực này.

Tổng thống Zelensky nói rằng: “Sự phong tỏa các cảng biển sẽ khiến cho thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực cấp tính và nghiêm trọng. Nạn đói sẽ diễn ra ở nhiều nước châu Á và châu Phi. Tình trạng thiếu lương thực chắc chắn sẽ dẫn đến hỗn loạn chính trị, có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chính phủ và nhiều chính trị gia bị lật đổ”.

Giám đốc lương thực của Liên Hợp Quốc David Beasley đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép xuất khẩu ngũ cốc được lưu trữ tại các cảng của Ukraine.

Ông Beasley là người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới. Chương trình này đã cung cấp thức ăn cho khoảng 125 triệu người và 50% nguồn cung ngũ cốc là từ Ukraine.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos ngày 24.5, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Nga đang sử dụng nguồn cung cấp lương thực như một con bài để tạo áp lực lên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cáo buộc trên là "lời đe dọa ầm ĩ". Vào đầu tháng 6, ông nói rằng "không có vấn đề gì" với việc xuất khẩu lương thực từ Ukraine. Ông nói ngũ cốc có thể được chuyển qua các cảng mà Nga kiểm soát như Mariupol hay Berdyansk, cũng như từ cảng Odessa của Ukraine nếu chính quyền Kyiv đồng ý tháo gỡ thủy lôi ở đây.

Trong phát biểu mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ gây tăng giá lương thực khi dồn dập in tiền và mua gom lương thực trên thị trường quốc tế.

Ông Putin nói Nga sẵn sàng tăng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, và sẽ ưu tiên xuất khẩu lương thực sang châu Phi và Trung Đông.

Tổng thống Senegal và Chủ tịch Liên minh châu Phi Macky Sall cũng cho biết Tổng thống Putin hôm 3.6 đã hứa rằng ông sẵn sàng để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc để giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến châu Phi.

Trong cuộc họp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu, hôm 8.6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng đang giải quyết vấn đề nối lại các chuyến hàng ngũ cốc bằng cách khai thác các cảng của nước này.

Ông Cavusoglu sau đó đã trình bày chi tiết kế hoạch của Liên Hợp Quốc nhằm tạo ra một hành lang biển từ Ukraine để xuất khẩu ngũ cốc. Ông nói rằng có thể tạo ra các tuyến đường an toàn mà không cần phải rà phá thủy lôi xung quanh các cảng của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14.6 cho biết các hầm chứa tạm thời sẽ được xây dựng dọc theo biên giới Ba Lan với Ukraine nhằm giúp xuất khẩu nhiều ngũ cốc hơn và giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk cho biết quá trình này sẽ mất từ ba đến bốn tháng.

Hiện tại trước tình hình xung đột vẫn tiếp diễn, các cuộc thảo luận để tìm cách đưa ra một giải pháp cho việc vận chuyển lương thực vẫn rơi vào bế tắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.