Xung đột Trung Đông nguy cơ leo thang, Tổng thống Biden trong 'thế khó'

08/04/2024 18:13 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với 'thế khó' đối ngoại trong cách giải quyết chiến sự ở Gaza kéo dài 6 tháng qua và có nguy cơ leo thang thành xung đột rộng lớn hơn ở khu vực Trung Đông.

Theo Đài CNN ngày 8.4, việc không thể giúp kiểm soát được xung đột Hamas - Israel có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nền chính trị Mỹ cũng như khó khăn cho nỗ lực tái tranh cử của chính ông Biden giữa lúc chỉ còn chưa đầy 7 tháng nữa sẽ tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Từ thảm họa nhân đạo

Cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza đã làm dấy lên những chỉ trích đối với cả Israel và Mỹ. Bà Cindy McCain, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 7.4 rằng: "Trẻ em đang chết khi chúng ta nói chuyện về Gaza và kêu gọi mở thêm nhiều lối di chuyển hơn để tiếp tế viện trợ vào khu vực này".

Người Gaza tuyệt vọng gánh tổn thất xung đột

WFP hiện tích trữ lượng lương thực cho 1,1 triệu người trong 3 tháng ngay bên ngoài biên giới Gaza, nhưng bà McCain nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ cần đưa nó vào. Đó là lý do tại sao những lối vào rất quan trọng và cần có nhiều điểm tiếp cận hơn nữa".

Cơ quan Y tế Gaza cho biết ít nhất 33.175 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 13.000 trẻ em, và 75.886 người khác bị thương trong chiến sự Hamas - Israel kể từ ngày 7.10.2023. Bên cạnh đó, hơn 95% trong số 2,3 triệu người ở miền bắc Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

Người Palestine nhận viện trợ nhân đạo ở Gaza ngày 19.2.2024

Người Palestine nhận viện trợ nhân đạo ở Gaza ngày 19.2.2024

REUTERS

Theo The Guardian ngày 8.4, cơ quan và tổ chức từ thiện của Liên Hiệp Quốc cho biết tình hình vượt quá thảm họa trong bối cảnh nạn đói đang rình rập khắp Dải Gaza.

Đến nguy cơ xung đột mới

Cùng với thảm họa nhân đạo ở Gaza, các diễn biến xung đột gần đây đã làm tăng nguy cơ leo thang chiến tranh trong khu vực.

Người dân Iran trong một cuộc tuần hành sau tang lễ của các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) ngày 5.4.2024

Người dân Iran trong một cuộc tuần hành sau tang lễ của các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) ngày 5.4.2024

REUTERS

Sau vụ tấn công của Israel tòa nhà ngoại giao của Iran tại thủ đô Damascus (Syria) hôm 1.4, phía Iran đã thề sẽ trả thù cho cái chết của 7 chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này thiệt mạng trong vụ tấn công. Đồng thời, Iran cảnh báo không đại sứ quán nào của Israel an toàn và Tehran coi khả năng xung đột với Israel là quyền hợp pháp, theo Reuters ngày 7.4.

Iran cảnh báo mọi đại sứ quán Israel đều không an toàn

Nhiều mối lo ngại xuất hiện về cuộc xung đột nóng có thể xảy ra giữa Iran và Israel. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Ohio Michael Turner đã chỉ trích cách xử lý của Nhà Trắng đối với cuộc xung đột và lên án hành động tấn công vào Damascus của Israel - điều mà giới quan sát mô tả như một thách thức đối với các lằn ranh đỏ của Iran. Đồng thời, ông Turner nói rằng Mỹ đang cố gắng gây áp lực lên Iran để ngăn chặn việc Iran tham chiến, tránh kịch bản leo thang chiến tranh trên toàn khu vực.

Bên cạnh đó, các diễn biến trên bàn đàm phán giữa Hamas - Israel vẫn chưa có đột phá, dẫn tới kịch bản mờ mịt về một lệnh ngừng bắn và kết thúc chiến sự. Theo Reuters hôm nay 8.4, một quan chức của Hamas nói rằng không có tiến triển nào đạt được trong vòng đàm phán ngừng bắn mới tại Cairo (Ai Cập) với sự tham dự của các phái đoàn từ Israel, Qatar và Mỹ.

Khủng hoảng đối ngoại 

Khả năng giao tranh kéo dài đã khiến mũi rìu dư luận hướng vào Tổng thống Mỹ Biden, trong đó nhiều cử tri trẻ tuổi và người Mỹ gốc Ả Rập phản ứng dữ dội và đặt ra thách thức lớn đến nỗ lực tái đắc cử của ông.

Chẳng hạn, vào ngày 29.3, một số người biểu tình đã xông vào buổi gây quỹ của ông Biden với 2 người tiền nhiệm Barack Obama và Bill Clinton tại New York (Mỹ), trong khi hàng trăm người khác bao vây bên ngoài. Gần đây, trong sự kiện tranh cử tại bang Wisconsin (Mỹ), bài phát biểu dài 22 phút của ông Biden cũng bị gián đoạn không dưới chục lần bởi những người biểu tình kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.

Ông Biden yêu cầu Israel bảo vệ dân thường ở Gaza

Trong một cuộc khảo sát gần đây của AJC (Mỹ) cho thấy người Do Thái ở Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn và người Mỹ đang đấu tranh với nhau vì một cuộc xung đột nước ngoài.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ còn phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng từ các quan chức đảng Dân chủ trong việc kiềm chế Israel và yêu cầu nâng các điều kiện để thông qua lô vũ khí trị giá tỉ USD cho Israel.

Đặc biệt, sau vụ việc không kích của Israel khiến 7 nhân viên của tổ chức cứu trợ World Central Kitchen (WCK-Mỹ) thiệt mạng, ngày càng nhiều đảng viên đảng Dân chủ gửi tín hiệu cho ông Biden rằng cần làm nhiều hơn để kiểm soát đối với Israel và cảnh báo rủi ro chính trị mà đương kim tổng thống có thể gặp phải.

Xung đột Trung Đông nguy cơ leo thang, Tổng thống Biden trong 'thế khó'- Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng (Mỹ) ngày 4.4.2024

REUTERS

Trong khi đó, đảng Cộng hòa phản ứng gay gắt với việc Nhà Trắng phụ thuộc nhiều vào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phớt lờ lợi ích của nước Mỹ.

Ngoài ra, chiến sự Hamas - Israel đã khiến liên minh Mỹ - Israel bộc lộ nhiều rạn nứt và mâu thuẫn. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Biden đặt ra yêu cầu ngừng bắn "ngay lập tức" trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Thủ tướng Netanyahu hôm 4.4. Ngược lại, phía Israel mong muốn tiêu diệt hoàn toàn Hamas và yêu cầu trao trả toàn bộ con tin Israel trước khi kết thúc cuộc xung đột.

Theo The Times of Israel ngày 7.4, Thủ tướng Israel Netanyahu nhắc lại các mục tiêu của cuộc chiến: một là trả lại tất cả các con tin cho Israel; hai là hoàn thành việc tiêu diệt Hamas trên toàn bộ Dải Gaza bao gồm cả Rafah; ba là đảm bảo không có hoạt động khủng bố nào có thể phát động từ Gaza và đe dọa Israel trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn CNN ngày 8.4, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói: "Tôi nghĩ rằng các quyết định được đưa ra đều có lý do chính đáng. Israel không thể kết thúc cuộc chiến này nếu Hamas còn trụ vững. Chúng tôi không thể để một lực lượng - đe dọa sự tồn vong của Israel, và cảnh báo thực hiện thường xuyên các cuộc tấn công vào đất nước - tồn tại. Vì vậy, chúng tôi phải loại bỏ Hamas".

Nhà Trắng chưa bình luận gì thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.