Xung đột Trung Đông, Ukraine phủ bóng hội nghị G7 ở Ý

Xung đột Trung Đông, Ukraine phủ bóng hội nghị G7 ở Ý

18/04/2024 09:31 GMT+7

Những nỗ lực để kết thúc các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine sẽ trở thành chủ đề chính để nhóm các nước G7 thảo luận tại cuộc họp ở Ý, khi phương Tây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngày 16.4, đảo Capri (Ý) đang tăng cường các biện pháp an ninh trước cuộc họp ngoại trưởng G7.

Nhà ngoại giao hàng đầu của nước chủ nhà Ý, ông Antonio Tajani cho biết nỗ lực chấm dứt xung đột ở Trung Đông và Ukraine sẽ chiếm ưu thế trong cuộc họp. “Lập trường quốc tế của chúng tôi rất rõ ràng nhưng nếu vị thế của chúng tôi mạnh thì việc nói chuyện với người khác sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi đoàn kết. Điều này rất quan trọng”, ông nói.

Các bộ trưởng từ các cường quốc phương Tây sẽ thể hiện một mặt trận thống nhất để yêu cầu ngừng bắn ở Gaza cũng như giảm căng thẳng giữa Israel và Iran.

Một quan chức hôm 16.4 cho biết nội các chiến tranh của Israel dự kiến họp lần thứ ba trong vòng ba ngày. Họ sẽ quyết định phản ứng trước cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran.

Iran đã phát động cuộc tấn công vào 13.4 để trả đũa vụ không kích vào khu vực đại sứ quán nước này ở Damascus (Syria) hồi ngày 1.4, mà Israel bị cáo buộc là thủ phạm.

Lực lượng cảnh sát tuần tra tại Capri (Ý), nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nước G7, ngày 16.4.2024

Lực lượng cảnh sát tuần tra tại Capri (Ý), nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nước G7, ngày 16.4.2024

REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào cuối tuần rằng Mỹ, đồng minh lớn của Israel, sẽ không tham gia vào cuộc phản công của nước này. Cùng với các đồng minh châu Âu, Washington nỗ lực tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Iran, nhằm thuyết phục Israel kiềm chế trả đũa bằng bạo lực.

Điều này cho thấy quan điểm thống nhất của phương Tây có thể không mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Ông Tajani cũng cho rằng chỉ riêng phương Tây không thể gây đủ áp lực lên Nga để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Ông nói rằng điều cần thiết là phải có sự tham gia của Trung Quốc.

Ở Ukraine, thế cục trên chiến trường đã chuyển sang có lợi cho Nga. Phương Tây dường như không thể cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí mà nước này yêu cầu. Mỹ cũng đã kêu gọi G7 tìm cách tịch thu tài sản ở nước ngoài của Nga trị giá 300 tỉ USD để hỗ trợ Kyiv.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ, Canada và Anh muốn các tài sản đó bị tịch thu, nhưng các quốc gia EU lại chần chừ vì cho rằng điều đó sẽ tạo tiền lệ pháp lý nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.