Việc Mỹ cấp 61 tỉ USD viện trợ vũ khí vào tháng 4 là một động lực cho các lực lượng Ukraine đang chịu sức ép tại tiền tuyến trước những bước tiến của quân đội Nga.
Tuy nhiên, Ukraine không phải bên duy nhất hưởng lợi. Các nhà phân tích nói rằng Washington cũng sẽ nghiên cứu thực tế và tìm ra những lỗ hổng trong những hệ thống vũ khí quan trọng nhất mà Mỹ chuyển cho Kyiv. Kể từ khi xung đột bùng phát, riêng Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 107 tỉ USD, từ khí tài hạng nặng đến đạn dược và hệ thống hậu cần.
Xung đột Ukraine bộc lộ những lỗ hổng của vũ khí Mỹ
Tác chiến điện tử
Một lĩnh vực mà Mỹ bộc lộ những hạn chế là tác chiến điện tử. Theo Business Insider, các hệ thống gây nhiễu của Nga đã tạo ra những vấn đề lớn với vũ khí chính xác của phương Tây, bao gồm rốc két phóng loạt dẫn đường (GMLRS) và đạn pháo Excalibur.
Các đơn vị tác chiến điện tử của Moscow ngày càng thành thạo trong việc gây nhiễu hệ thống định vị GPS, khiến tên lửa đi chệch hướng. “Xung đột đã bộc lộ việc một số loại đạn dẫn đường của Mỹ đã thất bại trong môi trường tác chiến điện tử quyết liệt”, bà Stacie Pettyjohn, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm An ninh Mới ở Mỹ (CNAS), nói.
Những loại máy bay không người lái (UAV) giá rẻ đang đóng vai trò quan trọng ở Ukraine. Quân đội Kyiv đã sử dụng UAV phần nào bù đắp được bất lợi về quân số. UAV có thể làm nhiều nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường cho tên lửa hoặc mang đầu đạn tấn công. Mặt trận điện tử cũng là cuộc giằng co giữa hai bên về hệ thống gây nhiễu và UAV được trang bị khả năng chống nhiễu.
Bà Pettyjohn cho rằng việc điều động, ngụy trang và tiếp tế cho binh sĩ trong bối cảnh gặp UAV trinh sát là một bài toán khó với Lầu Năm Góc. Bộ Quốc phòng Mỹ đang tăng tốc khả năng triển khai UAV để hỗ trợ binh sĩ cũng như đối phó với khí tài đối thủ, khi các nhà phân tích cho rằng UAV sẽ là nhân tố chính trong chiến trường hiện tại và tương lai. Theo bà Pettyjohn, hiện quân đội Mỹ chỉ có vài đơn vị sử dụng như UAV cỡ nhỏ đã lỗi thời. Trong khi đó, UAV cao cấp lại khó đáp ứng về số lượng.
Thiếu hụt vũ khí
Chiến sự ở Ukraine không chỉ phơi bày vấn đề về chất lượng và còn là khả năng sản xuất vũ khí của Mỹ để đáp ứng nhu cầu từ Kyiv.
Trong nhiều thập niên, Mỹ chuẩn bị cho hình thái chiến đấu với các nhóm chiến binh như Taliban ở Afghanistan. Song, xung đột tại Ukraine mang hình thái của cuộc chiến tiêu hao tương tự Thế chiến 1, khi hai bên đều có vị trí phòng thủ chắc chắn và bắn hàng loạt đạn mỗi ngày để khiến đối phương kiệt sức, điều mà quân đội Mỹ vẫn chưa kịp điều chỉnh. Bà Pettyjohn cho rằng Lầu Năm Góc chưa mua đủ đạn dược cho một xung đột quy mô lớn kéo dài và các gói viện trợ Kyiv cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản là số lượng.
Nga cảnh báo phương Tây đang "đùa với lửa"
Vào thời điểm dòng viện trợ của Mỹ bị ngưng trệ, Ukraine bị áp đảo về mặt hỏa lực ở nhiều chiến tuyến, khi lượng đạn mà quân đội Moscow bắn ra được cho là gấp 10 số lượng của phía Kyiv. Các đồng minh phương Tây cũng chật vật trong việc cung cấp đủ số lượng đạn dược cho Ukraine.
Song cũng phải công nhận hệ thống vũ khí hiện đại từ Washington, chẳng hạn tên lửa phòng không Patriot và rốc két phóng loạt HIMARS, đã giúp Ukraine có “chiếc khiên và thanh kiếm” sắc bén hơn để đối phó với quân đội Nga. UAV tự sát Switchblade cũng là mối đe dọa với binh sĩ và khẩu đội pháo binh Moscow.
Bài toán chi phí
Những vũ khí càng hiện đại thì thường đi kèm với chi phí đắt đỏ. Các báo cáo trên chiến trường chỉ ra quân đội Ukraine cũng phải dè dặt với mỗi lần khai hỏa, khi một tên lửa đánh chặn của Mỹ đắt hơn rất nhiều so với việc chỉ bắn hạ được những UAV giá rẻ.
Điều này đã tạo ra bài học cốt lõi rằng số lượng cũng quan trọng không kém chất lượng, theo bà Pettyjohn. “Đáng lẽ Mỹ phải biết rằng bên cạnh độ chính xác thì số lượng cũng rất quan trọng. Quân đội Mỹ cần nhiều đạn pháo, tên lửa và UAV hơn hiện tại, cùng một cơ sở công nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất các khí tài quan trọng này”, bà nói.
Bình luận (0)