Xung quanh việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á 18

09/04/2012 03:37 GMT+7

Tổ chức Asiad sẽ là “cú hích lịch sử” Hôm qua, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang (ảnh) đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn xung quanh ý kiến nên hay không nên đăng cai Asiad 18 năm 2019?

Tổ chức Asiad sẽ là “cú hích lịch sử”

Hôm qua, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang (ảnh) đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn xung quanh ý kiến nên hay không nên đăng cai Asiad 18 năm 2019?

Ông có thể cho biết lý do nào VN muốn vận động đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 (Asiad 18 - 2019)?

Xuất phát từ tình hình thực tế nhiều năm qua thể thao VN thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, như tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ ba (AI Games 3) năm 2009, nên Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á khuyến khích chúng ta đăng cai những sự kiện thể thao lớn hơn như Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG) hoặc Asiad.

Ngày 21.5.2010, sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có Tờ trình Chính phủ số 67/TTg - BVHTTDL về việc xin phê duyệt chủ trương tham gia vận động giành quyền đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có Công văn số 3401/VPCP do Phó chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn ký, thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: Đồng ý chủ trương tham gia vận động đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 và đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016. Trên tinh thần đó, ngày 24.5.2010, Ủy ban Olympic VN có công văn chính thức gửi OCA bày tỏ nguyện vọng xin được tham gia vận động đăng cai ABG 5 và ASIAD 18 - 2019. Đề án vận động cũng đã được các bộ ngành liên quan đóng góp ý kiến, trong đó Hà Nội được chọn là TP chính thức đăng cai.
 

 
Ảnh: Bạch Dương

Đăng cai Asiad sẽ đóng vai trò là một "cú hích lịch sử" đối với sự phát triển của đất nước, quảng bá văn hóa, thể thao và phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế 

Tôi cho rằng khả năng được đăng cai của VN là rất lớn vì hiện nay chỉ còn Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Đài Loan, Indonesia và VN chạy đua. Nhưng Đài Loan rất khó do Asiad 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) nên một QG hay vùng lãnh thổ ở Đông Á không thể tổ chức tiếp. OCA cùng các đối tác tài trợ đánh giá rất cao tiềm năng của VN. Theo OCA, lợi nhuận thu được từ bản quyền truyền hình và các thương quyền marketing khác của đại hội nếu tổ chức tại VN có triển vọng lớn và phù hợp với lợi ích của OCA.

Nhưng trong tình hình hiện nay nếu bỏ ra đến 150 triệu USD, tức gần 3.200 tỉ đồng, tổ chức Asiad 2019 liệu có khả thi? Và chúng ta được lợi gì?

Đăng cai Asiad sẽ đóng vai trò là một "cú hích lịch sử" đối với sự phát triển của đất nước, quảng bá văn hóa, thể thao và phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để VN biểu dương sức mạnh về thể thao, tiềm năng về du lịch, giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống lịch sử văn hóa, về đất nước và con người VN; đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ và giúp đỡ của OCA và các tổ chức quốc tế khác. Nói cách khác, đăng cai Asiad không chỉ là chuyện của thể thao mà là bộ mặt của đất nước.

Trên thực tế, với sự giảm bớt các yêu cầu của OCA đối với nước chủ nhà và theo khả năng của VN, đến năm 2019, kinh phí tổ chức Asiad sẽ ở mức tiết kiệm bất ngờ vì không cần xây dựng mới các công trình, sân bãi tập luyện, thi đấu của nhiều môn thể thao và chỉ cần duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình thể thao hiện có sau SEA Games 22 và AI Games 3 năm 2009. VN chỉ cần xây mới 2-3 công trình thể thao là sân đua xe đạp lòng chảo (khoảng 7 triệu USD) và trung tâm đua canoeing, rowing dự kiến tại Hải Phòng hoặc Hồ Tây, Hà Nội (khoảng 8 triệu USD) và nếu có thể thêm nhà thi đấu đa năng có sức chứa 10.000 chỗ. Lễ khai mạc, bế mạc đại hội sẽ được tổ chức đơn giản, hiệu quả và không quá tốn kém.

Theo đề án vận động đăng cai đại hội, kinh phí tổ chức Asiad dự kiến khoảng 5.000 tỉ = 250 triệu USD (bằng 1/10 kinh phí tổ chức Asiad 16 tại Quảng Châu năm 2010). Sau khi OCA có chủ trương mới chỉ tổ chức với khoảng 30 môn và việc không cần xây mới các công trình thi đấu thể thao, kinh phí tổ chức đại hội giảm xuống còn  khoảng 3.150 tỉ = 150 triệu USD. Đây là mức kinh phí vừa phải đối với một đất nước có tiềm lực và đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại như VN. Ngoài ra, nếu đăng cai đại hội, chúng ta tối thiểu có thể thu được khoảng 30 - 50 triệu USD từ việc khai thác bản quyền truyền hình và các thương quyền marketing khác của đại hội.

Nguồn kinh phí tổ chức, chúng ta lấy từ đâu?

Trước hết từ ngân sách nhà nước, đóng góp của đoàn thể thao các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, các nguồn tài trợ và các nguồn hợp pháp khác trong nước. Ngoài ra nguồn lợi nhuận từ thương quyền của đại hội khai thác cùng Tiểu ban Marketing của OCA, trong đó riêng làng á vận tại Xuân Canh, Xuân Trạch, huyện Đông Anh đã có đơn vị sẵn sàng bỏ chi phí xây dựng sau đại hội sẽ khai thác bán lại cho nhân dân.

Quang Tuyến - Lan Phương
(thực hiện)

3 lý do cần phải cân nhắc

Ông Nguyễn Hồng Minh (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao TCTDTT, nguyên Trưởng đoàn thể thao VN tại các kỳ Asiad 2002, 2006 phân tích:

Có 3 lý do khiến tôi thấy cần phải cân nhắc trong việc đăng cai Asiad 2019. Trước hết nói chuyện tiền, tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà những người soạn thảo đề án đưa ra con số 150 triệu USD. 3 tháng trước ở hội nghị ngành, con số được báo cáo là 120 triệu USD, chưa gì đã tăng như vậy sẽ còn phát sinh đến bao nhiêu. Ngay đề án cũng cho thấy nói không xây mới các công trình trừ sân xe đạp lòng chảo và đua canoeing nhưng VN không thể không tổ chức các môn Olympic như đua ngựa, vậy có tính luôn chi phí cho hạng mục sẽ phải xây mới này không?

 


Ảnh: Ngô Nguyễn
 

Nên chăng dời việc xin đăng cai lại thêm một chu kỳ 8-10 năm để củng cố bộ máy ngành, hoạch định lại công tác tổ chức, đầu tư công tác đào tạo, nâng cao y học và dinh dưỡng trong thể thao...

Ngay số tiền này liệu đã có tiền nâng cấp, thay mới các trang thiết bị chưa. Chẳng hạn như trường bắn phải có bia điện tử, bắn chung kết phải tổ chức khu vực riêng, hay thể dục dụng cụ được trang bị từ năm 2000 đến nay đã hư hỏng, liệu thay mới tiền đầu tư ở đâu? Có thể con số này đưa ra khiến Chính phủ thấy ít nên ủng hộ, nhưng qua nghiên cứu của tôi và thực tế đăng cai tổ chức của nhiều nước, ít nhất là 2 tỉ USD mới làm được chứ không phải 150 triệu USD. Ngay so với SEA Games cách đây 9 năm, khi đó chúng ta đăng cai đã bỏ ra 4.700 đến 5.000 tỉ đồng, trong khi Asiad quy mô lớn hơn rất nhiều mà chỉ có hơn 3.000 tỉ đồng rõ ràng là một con số phi thực tế.

Thứ hai là trình độ thể thao VN hiện đã đủ để tranh chấp thứ hạng trong top 10 châu Á như đề án đã đưa ra hay chưa? Con số 10-15 HCV mà chúng ta đưa ra rõ ràng là hoang tưởng vì chúng ta hãy nhìn thế hệ hiện nay bao nhiêu người còn trụ lại được sau 7 năm nữa và từ trong tiềm năng đã ló dạng được những ai cho tương lai? Nếu tính đến chuyện Asiad 2019 thì lẽ ra ngành TDTT phải đề xuất Chính phủ sớm có chương trình quốc gia và phải chạy vắt chân lên cổ chứ không phải túc tắc như hiện nay.

Thứ ba là bộ máy quản lý và điều hành của thể thao VN hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ khi sáp nhập, vai trò của TC TDTT bị thu hẹp lại, công tác tổ chức và xây dựng lực lượng TDTT từ trung ương đến địa phương chưa được chú trọng, nhiều vấn đề trong công tác chỉ đạo thiếu sâu sát, chẳng hạn chuyện đổi tên giải bóng đá VĐQG, Phó TC trưởng TCTDTT lúc đầu không có ý kiến sau đó vài tuần bị tác động lại chỉ đạo thay đổi. Ngay khi xuất hiện những mâu thuẫn trong nội bộ, giữa HLV với nhau cũng giải quyết không rốt ráo làm cho hoạt động của ngành bị ảnh hưởng.

Từ đó, theo tôi đăng cai Asiad là phải xuất phát từ thực tiễn chứ không nên có tư duy chủ quan. Vào thời điểm này cần phải cân nhắc vì không chỉ chuyện kinh phí mà cả một hệ thống cấu trúc tổ chức Asiad phải xem xét một cách toàn diện. Nên chăng dời việc xin đăng cai lại thêm một chu kỳ 8-10 năm để củng cố bộ máy ngành, hoạch định lại công tác tổ chức, đầu tư công tác đào tạo, nâng cao y học và dinh dưỡng trong thể thao... thì khi đó điều kiện tổ chức của VN sẽ tốt hơn và sẽ góp phần làm rạng rỡ bộ mặt của đất nước.

Q.T
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.