Trước đề nghị của Kiểm toán Nhà nước truy thu 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, Tổng công ty cổ phần bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khẳng định tuân thủ đúng quy định khi có sự hướng dẫn của Bộ Tài chính về vấn đề này.
Sabeco sẽ nộp thuế sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính - Ảnh: TTXVN
|
Bất đồng giá tính thuế
Nguyên nhân phát sinh tranh cãi về số thuế nói trên xuất phát từ mô hình hoạt động của Sabeco có nhiều công ty con, công ty liên kết ở dưới nên mỗi bên (kiểm toán và Sabeco) lấy giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở mỗi khâu khác nhau. Phía Sabeco cho rằng, họ đã làm theo đúng tinh thần của luật Thuế TTĐB. Luật này quy định, đối với sản xuất bia là 50%, giá tính thuế là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra. Trong khi theo Kiểm toán Nhà nước, giá tính thuế TTĐB được xác định theo giá bán của công ty thương mại khu vực. Đại diện Sabeco cho rằng tính thuế TTĐB từ giá sản phẩm của các công ty thương mại khu vực là không đúng, bởi giá này bao gồm cả chi phí lưu thông, chi phí kho...
Về cách tính thuế, từ năm 2010, Tổng cục Thuế có công văn trả lời Sabeco, trong đó khẳng định: “Đối với sản phẩm bia được sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và đơn vị sở hữu thương hiệu là Sabeco, sau đó các cơ sở sản xuất sản phẩm bia cho Công ty TNHH MTV thương mại Sabeco để bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”. Từ năm 2010 đến nay, Sabeco thực hiện nộp thuế TTĐB theo hướng dẫn này và kết quả là tổng công ty đứng trước nguy cơ bị truy thu hàng ngàn tỉ đồng chứ không chỉ 408 tỉ đồng của năm 2013.
Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư
Theo đại diện Sabeco, nhà nước hiện nay đang nắm giữ 90% vốn của tổng công ty nên họ không việc gì phải lách thuế, vì hầu hết lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) đều thuộc nhà nước. Trong trường hợp Sabeco phải nộp lại số thuế 408 tỉ đồng nói trên, DN cũng cần phải tính nguồn nào cho hợp lý, vì phải tính lại số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp, cổ tức đã chia (nhà nước 90% cổ tức). Thuế TTĐB tăng lên đồng nghĩa thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ tức phải giảm xuống, tác động rất lớn đến hoạt động của DN. Đặc biệt, theo kế hoạch, tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ tại Sabeco sẽ giảm từ 90% xuống còn 36% với tổng giá trị tương đương 1 tỉ USD (khoảng 22.000 tỉ đồng). Những rủi ro về thuế có khả năng ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cổ phiếu Sabeco đối với các nhà đầu tư.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Đăng Minh Quang, cho rằng vấn đề ở đây là khi ban hành luật, cơ quan ban hành đã không lường hết được các tình huống có thể diễn ra và văn bản có hướng dẫn rõ ràng, minh bạch để DN có thể thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước cần có những văn bản điều chỉnh để “lấp” những khe hở, chứ không nên thực hiện theo cảm tính mà không căn cứ trên pháp luật quy định. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến Sabeco mà hiện nhiều tập đoàn cũng thực hiện đóng thuế TTĐB giống như vậy, do đó nếu không có hướng giải quyết ổn sẽ gây tâm lý bất an đối với các DN về vấn đề môi trường đầu tư. Còn xét về việc này gây thất thu cho ngân sách nhà nước thì cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước, chứ không thể đổ hết lên DN. “Các tập đoàn thực hiện nghĩa vụ thuế theo cách tính này từ nhiều năm nay, trong từng đó năm DN đón tiếp không biết bao nhiêu đoàn kiểm tra, thanh tra của cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế. Vậy tại sao những con số thuế to đùng như vậy không được phát hiện mà đến nay mới được “lôi” ra”, luật sư Trần Xoa nêu vấn đề.
Theo ông Trần Xoa, cơ quan nhà nước không nên thu số thuế này mà cần đặt nặng vấn đề môi trường đầu tư và ban hành quy định hướng dẫn thực hiện rõ ràng hơn sau này.
Bình luận (0)