Cụ ông được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cấp cứu ngày 22.5. Qua nội soi dạ dày, bác sĩ Mạc Phước Toàn - Trưởng khoa Nội kiêm Trưởng Phòng Nội Soi Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu - phát hiện dị vật hình que dài 3x40 mm, xuyên thấu từ tiền môn vị dạ dày xuống hành tá tràng.
“Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh xuất hiện cơn đau bụng cấp liên hồi, dữ dội và nguy cơ nhiễm trùng hoặc thủng dạ dày cao. Không thể uống thuốc để điều trị mà chỉ có thể can thiệp thủ thuật”, bác sĩ Toàn nói
Do bệnh nhân cao tuổi kèm bệnh lý nền nên tình trạng hóc phải dị vật lớn gây tổn thương dạ dày là vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh mạch vành đã đặt stent, rối loạn lipid máu nên đã được các bác sĩ hội chẩn kỹ lưỡng. Qua theo dõi tình trạng diễn biến sức khỏe, ngày 24.5 ê kíp tiến hành lấy dị vật qua nội soi thành công.
|
Sau nội soi, tình trạng hiện tại của người bệnh phục hồi rất tốt, hết hẳn đau bụng và không có bất thường khác, dự kiến xuất viện 26.5.
Theo bác sĩ Toàn, những trường hợp liên tiếp hóc dị vật nặng phải nhập viện đã đánh tiếng cảnh báo về thói quen ăn uống thiếu cẩn thận của nhiều người hiện nay, và càng đặc biệt nguy hiểm khi đối tượng hóc phải các dị vật nặng lại thường xuyên là người già và trẻ nhỏ.
Bác sĩ Toàn cho biết những trường hợp nuốt phải dị vật khi ăn uống không hiếm gặp và không khó xử lý. Nhưng đối với những dị vật lớn, nhọn, to mảnh, bén như xương gà, vịt, cá,… sẽ có khả năng đâm vào thực quản, cổ hoặc lồng ngực, hoặc rơi xuống dạ dày, đâm vào tá tràng, gây thủng dạ dày, nhiễm trùng, áp xe, viêm phúc mạc,…
Nếu không can thiệp kịp thời sẽ không chỉ dừng lại ở các cơn đau mà còn dẫn đến các biến chứng khôn lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là người cao tuổi hoặc những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch lại càng nguy hiểm hơn nhiều.
Vì thế bác sĩ Toàn khuyến cáo tuyệt đối không thể xem thường việc ăn uống để tránh hóc phải dị vật. Nếu phát hiện bị hóc xương hay hóc dị vật khác, tốt nhất nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không nên cố nuốt thêm thức ăn, nước hoặc chữa mẹo sẽ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, làm tình trạng càng trầm trọng thêm. Đặc biệt, khi thấy đau khu trú, thường xuyên tại một vị trí cố định trong ổ bụng hay vùng ngực, cổ, họng,… người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.
Qua đó cũng cần kiểm tra kỹ thức ăn, thức ăn của người già và trẻ nhỏ nên tách xương ra, có thể xay nhuyễn cho dễ nuốt. Nên tập trung khi ăn uống, tránh đùa giỡn, nói chuyện, la lối trong lúc ăn, vừa ăn vừa làm việc hoặc suy nghĩ đến chuyện khác để hạn chế trường hợp ngoài ý muốn như mắc nghẹn, hóc xương.
Bình luận (0)