Xưởng gỗ đã được lập trong di tích quốc gia chùa Trăm gian (H.Chương Mỹ, Hà Nội) nhiều tháng nay mà cho tới giờ, chính quyền vẫn chưa di dời được.
Gỗ được bày khắp nơi phía sau chùa - Ảnh: Trinh Nguyễn |
Một lán có diện tích chừng 50 m2 được dựng trên ngọn đồi thuộc di tích quốc gia chùa Trăm gian. Lán được quây kín, có mái bằng tôn, khóa cửa. Nhìn qua cửa sắt có thể thấy rất nhiều gỗ được xếp bên trong.
Giữa lán có một khoảng trống lớn có thể dùng cưa gỗ. Một lán khác được dựng phía sau lưng khu nhà các sư ở trong chùa Trăm gian, cũng được lợp mái tôn, trong đó chứa toàn gỗ.
Ngoài hai lán trên, gỗ cũng được xếp đống gần như bao quanh chùa ở phía hông và lưng. Có những cây đã được chạm trổ. Có những cột mới được xẻ, chưa chạm trổ gì.
Trao đổi với nhà sư trụ trì chùa Trăm gian Thích Đàm Khoa, bà cho biết đang đi hạ (tham gia một khóa tu) ở Hà Nội. Về số lượng gỗ lớn nằm rải rác và hai lán đầy gỗ, nhà sư cho biết: “Trước kia là thầy làm chùa (chùa Trăm gian vừa có đợt tu bổ kết thúc và nghiệm thu vào tháng 7 vừa qua - NV), bây giờ thầy đang dẹp lại thầy bỏ. Mấy hôm nay mưa chưa dẹp được. Nhưng thầy đang dẹp, đang dọn bỏ”.
Số gỗ này, theo sư trụ trì Thích Đàm Khoa là dùng để sửa các hạng mục trong chùa. Trong đó có 8 cái cột làm thành 5 gian nhà thờ tổ. Ngoài ra còn có gỗ để chuẩn bị sửa chùa Quảng Bị, một ngôi chùa cũng do nhà sư này trông nom. Tuy nhiên, nhà sư này cũng cho biết: “Người dân không đồng ý thì để thầy dọn đi”.
“Thầy đề nghị làm xưởng nhưng chúng tôi không đồng ý”
Điều đáng nói là không chỉ người dân không đồng ý với khu để gỗ này mà chính quyền xã cũng đã lên tiếng về hiện tượng trên. “Chúng tôi biết có hai xưởng cưa ở đó. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu di dời, vì đó là di tích quốc gia”, ông Tống Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, H.Chương Mỹ, Hà Nội nói.
Chùa Trăm gian - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo biên bản mà ông Lợi cung cấp, đã có một cuộc làm việc giữa Phó chủ tịch UBND xã là bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vũ Danh Năm với nhà sư Thích Đàm Khoa. Ngoài ra, tham gia cuộc làm việc còn có ông Nguyễn Xuân Chất, cán bộ văn hóa xã và ông Đỗ Duy Quỳnh cán bộ địa chính xây dựng, ông Nguyễn Đình Tùy công an viên.
Vào ngày địa phương làm việc với bà Khoa, theo biên bản thì “xưởng xẻ vẫn đang hoạt động”. Lý do được nhà sư đưa ra lúc đó là “để đóng bàn ghế, cửa, tủ phục vụ chùa Trăm gian, tu bổ nhà tổ và tu bổ ngôi chùa của xã Quảng Bị, H.Chương Mỹ”.
“Thầy cũng có đề nghị được làm xưởng ở đấy nhưng phía chúng tôi quan điểm là sửa ở chùa nào thì thầy xin chính quyền làm ở chùa đấy. Chứ ở đây là di tích cấp quốc gia thì thầy phải giữ cảnh quan”, ông Lợi nói.
Chính quyền xã cũng đã yêu cầu di dời toàn bộ khối lượng gỗ đã tập kết và khu nhà xưởng khung thép, mái tôn ra khỏi khu vực di tích để bảo đảm cảnh quan khu vực di tích. “Thời gian thực hiện từ ngày 11.9 đến hết ngày 26.9”, văn bản ghi rõ. Biên bản này cũng đã được đọc cho toàn bộ những người có mặt. Bản thân bà Thích Đàm Khoa cũng đã ký vào đó.
Đây không phải lần đầu tiên chùa Trăm gian có việc phải kiểm tra, lập biên bản. Hồi năm 2012, bà Đàm Khoa đã tự ý hạ giải, tu bổ theo cách thay mới gác khánh - một hạng mục vô cùng quan trọng của chùa. Cán bộ thanh tra của Bộ VH-TT-DL khi ấy cho biết: “Năm 2007 - 2009, dự án trùng tu ở chùa Trăm gian có được một văn bản thỏa thuận ở Bộ. Tuy nhiên, vì không có kinh phí nên dự án không hoạt động. Bây giờ họ tự phá ra làm mới hoàn toàn, không có hồ sơ giấy thủ tục gì”.
Như vậy, rõ ràng những vi phạm luật di sản ở chùa Trăm gian không hề đơn lẻ. Nó cho thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giám sát di tích, cũng như giáo dục pháp luật di sản cho những người liên quan. Đặc biệt, về tâm lý, người trụ trì vẫn thường coi mình là chủ của ngôi chùa thì việc giáo dục pháp luật này càng cần thiết. Chưa kể, ở cấp quản lý cao hơn, trách nhiệm tổ chức giáo dục pháp luật này không phải là không có.
Chùa Trăm gian nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, H.Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, tức năm 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại.
Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý.
Tên gọi Trăm gian muốn nói tới việc chùa từng có cả trăm gian, rất bề thế.
|
Bình luận (0)