Xương hàm có bị viêm khớp không?

10/10/2022 09:24 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân có thể gây tổn thương xương hàm, từ gãy xương, trật khớp đến ung thư. Thậm chí, viêm khớp cũng có thể ảnh hưởng đến xương hàm.

Xương hàm con người hiện đại đã có một số thay đổi so với tổ tiên chúng ta. Thời nguyên thủy, con người sinh tồn bằng săn bắt và hái lượm. Vì ăn thức ăn tươi, thô và không nấu chín nên bộ hàm con người khi đó chắc khỏe hơn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Viêm khớp có thể xuất hiện ở hàm và gây đau đớn, khó chịu

SHUTTERSTOCK

Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy ngày càng có nhiều bằng chứng thuyết phục rằng chế độ ăn đã thay đổi cấu trúc sinh lý của xương hàm. Trong đó, chế độ ăn thịt chín và các loại rau củ, trái cây mềm hơn đã khiến hàm con người yếu hơn tổ tiên.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến xương hàm bị tổn thương, chẳng hạn như gãy xương, trật khớp hàm và cả ung thư. Không những vậy, rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) và viêm khớp cũng đe dọa sức khỏe hàm.

Khớp thái dương hàm là khớp tạo thành từ xương hàm dưới thuộc xương hàm với xương thái dương thuộc hộp sọ. Bất ổn ở khớp này sẽ được gọi là rối loạn khớp thái dương hàm.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh là đau và sưng hàm. Người bệnh sẽ cảm thấy khó nhai hoặc đau nhức khớp xương hàm khi nhai. Thậm chí, rối loạn khớp thái dương hàm còn gây cứng khớp hoặc phát ra âm thanh lách cách khi cử động hàm.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, cơn đau hàm còn lan vào trong hoặc vùng gần tai. Cảm giác đau nhức có thể lan ra khắp mặt.

Chưa dừng lại ở đó, viêm khớp ở xương hàm cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm. Các loại viêm khớp thường gặp có thể xuất hiện ở khớp hàm là viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vẩy nến.

Các chấn thương trực tiếp, chẳng hạn như nhổ răng, cũng có thể gây viêm khớp và dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, những trường hợp này thường không phổ biến, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.