Xuyên tết giữ rừng gỗ quý ở Gia Lai

05/02/2025 10:06 GMT+7

Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn của Việt Nam, trong đó có nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là quần thể giáng hương cổ thụ ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và ở H.K'bang.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang bảo vệ trên 44.000 ha rừng, trải dài qua các huyện Mang Yang, Đăk Đoa, K'bang (Gia Lai). Nơi đây có sự phong phú, đa dạng sinh học về thực vật, động vật.

Do vậy những biện pháp phòng chống bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt trong những dịp lễ tết, lực lượng giữ rừng được triển khai 24/24 giờ. Chuyện ăn tết trong rừng sâu, xa nhà không còn là chuyện lạ đối với nhiều cán bộ, nhân viên của vườn.

Xuyên tết giữ rừng gỗ quý ở Gia Lai- Ảnh 1.

Một cây giáng hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở vùng rừng H.K'bang, Gia Lai

ẢNH: TRẦN HIẾU

Bởi địa bàn có sự đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều quần thể gỗ quý như pơ mu, giáng hương, huỳnh đàn, trắc… khiến công tác bảo vệ rừng càng thêm áp lực. Chỉ một sơ suất, lơ là, cổ mộc trăm năm sẽ "chảy máu".

Giữ rừng vừa là trách nhiệm vừa là tình yêu dành cho rừng

Ông Nguyễn Minh Chinh, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4 thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, đang đóng chốt trong vùng rừng sâu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cho biết vùng rừng Kon Ka Kinh có những quần thể gỗ quý với số lượng lớn, dù được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng do giá trị kinh tế cao nên nơi đây luôn bị lâm tặc rình rập.

"Công việc đầy vất vả, áp lực nhưng thu nhập cũng chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Những anh em ở gần cả tháng mới được tranh thủ về thăm nhà. Ai ở xa thì vài tháng hay cả năm. Một số không chịu được đã xin nghỉ, bỏ nghề làm công việc khác có thu nhập tốt hơn, được gần gia đình hơn. Số còn lại chỉ có tình yêu dành cho màu xanh của rừng mới neo anh em lại với nhau", ông Chinh cho biết.

Xuyên tết giữ rừng gỗ quý ở Gia Lai- Ảnh 2.

Lán trại đơn sơ của lực lượng bảo vệ rừng

ẢNH: TRẦN HIẾU

Còn vùng rừng thuộc địa phận H.K'bang, nơi đang giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý, là nơi còn tồn tại quần thể cổ mộc giáng hương lớn ở Tây nguyên.

Theo số liệu thống kê, khu vực rừng của huyện này hiện có khoảng hơn 400 cây giáng hương quý hiếm, nhiều cây lớn có tuổi đời ước hàng trăm năm. Từ rừng sâu, những người giữ rừng ở trong các lán trại tạm bợ với thức ăn là đồ khô, vật dụng là những thứ gọn nhẹ, tối giản để có thể di chuyển nhanh gọn trong quá trình tuần tra.

Ở đấy, không có sóng điện thoại, không người thân và không… đủ thứ. Hiện gỗ giáng hương rất được ưa chuộng trên thị trường bởi vân đẹp, mùi hương thơm dịu. Lâm tặc thì luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi để xâm hại rừng khiến trách nhiệm lẫn áp lực giữ rừng của lực lượng chức năng càng nặng nề.

Trước đó, đã có nhiều vụ lâm tặc lẻn vào đẵn hạ không ít giáng hương khiến số lượng cổ mộc ở đây giảm nhanh trong vòng 10 năm qua.

Xuyên tết giữ rừng gỗ quý ở Gia Lai- Ảnh 3.

Tuần tra rừng lúc nửa đêm

ẢNH: CTV

Xuyên tết giữ rừng gỗ quý ở Gia Lai- Ảnh 4.

Dấu vết những cây giáng hương cổ thụ bị lâm tặc xâm hại

ẢNH: TRẦN HIẾU

Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), cho biết đối với những cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, giữ rừng vừa là trách nhiệm vừa là giữ tình yêu đối với rừng. Quan trọng nhất là cả cộng đồng phải quý rừng để có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn.

"Đối với chúng tôi, việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn như thế này là cả thách thức không hề nhỏ nếu không nói là áp lực lớn. Anh em làm công tác bảo vệ rừng cũng chịu nhiều thiệt thòi như xa nhà, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng thu nhập thực tế cũng chưa tương xứng…", ông Thắng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.