Y bác sĩ 11 bệnh viện sẵn sàng tham gia chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ TP.HCM

16/05/2021 12:11 GMT+7

Y bác sĩ tuyến đầu TP.HCM luôn sẵn sàng tinh thần 'chiến đấu' từ trong bệnh viện, cơ sở cách ly đến ngoài cộng đồng, chốt kiểm soát... mà không nề hà, ca thán.

Không phải là 1 “điểm nóng” của đợt dịch này, nhưng hàng ngàn y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại TP.HCM luôn căng sức lo cho công tác điều trị, chăm sóc người ở khu cách ly, truy vết F1, F2, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát…
Bởi, hiện tại trên địa bàn TP.HCM có 19 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, 4.227 người đang cách ly tập trung; 575 đang cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Trưa 16.5: Thêm 6 ca Covid-19, với 5 ca trong Bệnh viện K Tân Triều

Sẵn sàng chung tay chống dịch

0 giờ ngày 15.5, TP.HCM bố trí 12 chốt kiểm soát Covid-19 ở các cửa ngõ để kiểm soát y tế người ra vào TP.HCM. Để phục vụ công tác y tế, Sở Y tế TP.HCM phân công 11 BV cử y bác sĩ tham gia để thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và lấy mẫu khi cần thiết. Ngoài ra, hàng chục ngàn nhân viên y tế trên toàn TP.HCM đều trong trạng thái sẵn sàng tham gia chống dịch khi được huy động.
Chị Nguyễn Thị Thương, nhân viên BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - đơn vị được bố trí tại chốt kiểm soát cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết công việc của chị là đo nhiệt độ và sàng lọc bệnh nhân tại BV. Lần này được BV cử đi hỗ trợ chốt kiểm soát phòng dịch, dù trong trang phục rất nóng nhưng vui vì góp phần chung tay cùng TP.HCM chống dịch. 

Y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tại chốt kiểm soát Covid-19 tại cửa ngõ phía đông.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, dù được Sở Y tế huy động cách đây 3 ngày, nhưng BV nhanh chóng chuẩn bị 4 ê kíp để tham gia chốt kiểm soát. Lãnh đạo BV theo hỗ trợ tinh thần, lẫn chia sẻ vật chất để động viên nhân viên y tế hoàn thành nhiệm vụ vì công việc chung. Khí hậu ngoài chốt trực tuy nắng nóng nhưng nhân viên y tế vẫn vượt qua. Dù là đơn vị điều trị nhưng khi ngành y tế huy động, y bác sĩ, nhân viên bệnh viện luôn sẵn sàng tham gia lấy mẫu ở sân bay, trực chiến tại khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM trong các đợt dịch.

Tài xế qua chốt kiểm soát dịch Covid-19: “Cứ làm gắt đi anh, cho bớt dịch”

Tại cửa ngõ cầu Đồng Nai, Bệnh viện Ung bướu phân công phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế người vào TP.HCM. Theo đánh giá của ông Hà Hiếu Trung, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - người tham gia điều hành đội y tế Bệnh viện Ung bướu tối 15.5, cho biết công tác phối hợp với các ban ngành rất tốt, hành khách, xài xế tuân thủ khai báo y tế. Bệnh viện Ung bướu có 16 nhân viên tham gia chốt này, chia 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Trước đó, nhân viên y tế Bệnh viện Ung bướu tham gia lấy mẫu tại các điểm nóng trong đợt tết vừa qua, tham gia Bệnh viện dã chiến Củ Chi, khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Tâm lý anh chị em luôn sẵn sàng, anh chị em luôn nghĩ đây là công tác chung của ngành. Do đó, để động viên tinh thần hy sinh của anh chị em cán bộ y tế, ngoài phần hỗ trợ theo quy định phòng chống dịch thì bệnh viện còn có hỗ trợ riêng theo đúng quy định”, ông Hà Hiếu Trung cho biết thêm.

Ra trực bệnh viện đi trực chốt

Trong đêm đầu tiên lập chốt kiểm soát cửa ngõ tại KCN Sóng Thần (QL1, TP.Thủ Đức), bác sĩ Lê Hoàng Thanh (đang công tác tại Bệnh viện Q.12), chia sẻ mặc dù vừa ra ca trực từ bệnh viện nhưng vẫn còn sức tiếp tục triển khai công tác kiểm soát tại chốt đến sáng. Đây cũng là lần thứ 2 bác sĩ Thanh được giao nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ kiểm soát tại chốt cửa ngõ.
"Mặc dù rất mệt nhưng việc chung thì phải làm, tôi vẫn sẽ tiếp tục tăng cường cùng các đồng nghiệp và mọi người ở đây kiểm soát tại chốt cho đến khi có chỉ đạo mới", bác sĩ Thanh nói. Cũng theo bác sĩ Thanh, việc yêu cầu người dân đến đo thân nhiệt và khai báo y tế có nhiều ý nghĩa, vừa cảnh giác kiểm soát dịch bệnh từ cửa ngõ vào TP.HCM nhưng còn giúp người dân có ý thức chung trong công tác chống dịch.

Không kể ngày hay đêm, cứ có lệnh điều động là y bác sĩ lên đường làm nhiệm vụ.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Còn anh Nguyễn Văn Nhã (31 tuổi, ngụ TP.HCM) hiện đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện Q.12 chia sẻ thêm, đây cũng là lần thứ 2 anh cùng các đồng nghiệp tham gia trực chốt, kiểm soát cửa ngõ TP.HCM. Mặc dù công việc có vất vả và mất nhiều sức nhưng tinh thần của cán bộ y tế là sẵn sàng chiến đấu chống Covid-19. "Các sở ngành đều đang cố gắng chống dịch thì vị trí của tôi cũng phải cố gắng hỗ trợ hết sức. Mình làm sao cho người dân cảm thấy an tâm và chấp hành quy định chống dịch của thành phố là vui", anh Nhã chia sẻ.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết: “Trong nhóm công việc y tế của quận, khi một lệnh điều động được ban hành, nhân viên y tế các trạm y tế đều nhắn 3 chữ “đã sẵn sàng”. Y bác sĩ tham gia công việc chung bất kể ngày đêm, giờ giấc, rất cảm động trước sự hy sinh của đội ngũ y tế”.

Xuyên đêm ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ TP.HCM

Những chuyến đi thầm lặng
Trong đợt dịch này, riêng Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 2 đội phản ứng nhanh với hơn 10 y bác sĩ xuống các tỉnh miền Tây hỗ trợ chống dịch, xây dựng bệnh viện dã chiến; cử 4 y bác sĩ sang nước bạn Lào hỗ trợ chống dịch. Trong rất nhiều bác sĩ tham gia chống dịch ở Việt Nam, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) được nhiều người biết đến với biệt danh "bác sĩ 91” (là người điều trị chính cho phi công người Anh - bệnh nhân 91 trong đợt dịch đầu tiên), từng là người đi chi viện để cứu nhiều bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng trong đợt dịch thứ 2. Bác sĩ Linh cũng là người được cử đi Gia Lai trong đợt dịch thứ 3. Và trong đợt dịch thứ 4 này, bác sĩ Linh 2 lần xuống các tỉnh miền Tây, cụ thể là An Giang, Kiên Giang để hỗ trợ chống dịch, điều trị bệnh nhân và lập bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ Trần Thanh Linh (đồng phục xanh, mang balo) trong lần hỗ trợ các tỉnh miền tây lập bệnh viện dã chiến.

ẢNH: BVCC

Với tinh thần trong các chuyến đi “hết dịch mới về”, bác sĩ Linh tâm sự: "Gia đình là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ, bởi đây là lúc cần nhất đội ngũ nhân viên y tế. Nếu thời điểm này, người làm y tế không xông pha đứng đầu thì không thể nào mang lại điều tốt đẹp cho cộng đồng".
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, và một số nhân viên y tế khoa Xét nghiệm cũng là những người tiên phong chi viện cho các tỉnh, thành. Họ đã đi hàng chục lượt trong các đợt dịch qua với tinh thần không mệt mỏi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.