Trên đường tìm đến với anh Lượng, tôi đã tưởng tượng đến một nhà xưởng rộn rã tiếng máy, tiếng người. Ở đó, anh Lượng đang cặm cụi làm việc bên những công nhân của mình để cho ra hàng tấn củi trấu nhãn hiệu Fire Blue đình đám. Điều đó khiến tôi hứng khởi và tự hứa sẽ chụp cho chàng thanh niên ấy thật nhiều ảnh đẹp. Thế nhưng, khu xưởng rộng 200 m2 của anh Lượng lại đóng cửa im ỉm. Thấy tôi đứng ngơ ngác, một phụ nữ đi qua mách nước: “Tìm Lượng hả, đi ra chợ Ngải hỏi nhà chủ xưởng, đóng cửa hơn tuần nay rồi”.
Lúc tôi đến, anh Lượng đang í ới gọi điện. Đôi tay gầy gò bấm số cứ thoăn thoắt. “Mình ra xưởng nhưng thấy đóng cửa”, tôi hỏi chuyện. “Dạo này em chỉ chạy cầm chừng thôi anh ạ. Giá lợn xuống quá, mấy mối lấy củi nấu chế biến thức ăn gia súc cũng gặp khó khăn”, anh Lượng cười nhẹ, đưa tay gãi mái tóc rối bù.
Cùng tôi quay lại nhà xưởng, anh Lượng cho biết: “Hồi học đại học, em luôn ấp ủ những ý định kinh doanh về các sản phẩm thân thiện với môi trường, quen thuộc với người dân. Khi đọc về củi trấu, em đã thích ngay. Trấu trong dân quá nhiều. Một lượng rất ít được sử dụng trong chăn nuôi, đun nấu, còn lại vứt không ai lấy, bán không ai mua. Bây giờ mình thu gom, làm thành sản phẩm ra tiền thì đúng là một công đôi việc”.
Sau khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, anh Lượng được gia đình và nhiều người hỗ trợ hơn 800 triệu đồng đầu tư một dây chuyền ép trấu thành củi tự động. Mỗi ngày (chạy 8 tiếng), dây chuyền sẽ sản xuất được khoảng 3 tấn củi trấu. Mỗi cân củi trấu, anh Lượng bán với giá 1.700 đồng. Thời điểm ổn định nhất trong 1 năm qua, anh thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng (trừ hết chi phí nguyên liệu, điện, nhân công). Anh Lượng đặt tên sản phẩm của mình là Fire Blue. Cuối năm 2016, tại lễ phát động thanh niên khởi nghiệp do T.Ư Đoàn tổ chức, anh Lượng vinh dự là 1 trong 10 gương mặt sinh viên, thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 50 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp củi trấu.
Theo ông Bùi Xuân Tuấn, nguyên Phó giám đốc Sở Khoc học - Công nghệ thành phố Hải Phòng, ưu điểm của củi trấu là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguồn cung dồi dào và liên tục, thân thiện với môi trường hơn than đá, than củi, dễ vận chuyển, lưu trữ. Củi trấu khi đốt cho nhiệt cao và tro của củi trấu sau khi đốt được dùng cải tạo đất. Loại nguyên liệu này có thể dùng trong các nhà máy dệt nhuộm, các lò gạch, gốm sứ, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ở phía Nam, củi trấu đã khá phổ biến. Ở miền Bắc, tại Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa đã có một số nơi sản xuất củi trấu.
Những ngày đầu sản xuất, anh Lượng gặp khá nhiều khó khăn. Việc ép trấu thành củi tưởng như đơn giản: trấu được đổ vào máy nghiền, dưới tác dụng của nhiệt, trấu sinh ra chất kết dính như nhựa đường, sau đó máy sẽ ép nén nguyên liệu thành các thanh củi rồi được đóng vào bao, tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nhiều lúc máy tạo nhiệt độ không ổn định, điện nhảy liên tục, trục xoay bị hỏng…
tin liên quan
Cô bé khiếm thị được tuyển thẳng vào Nhạc viện TP.HCMCô bé khiếm thị Đỗ Nguyễn Anh Thư, 15 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang đã có cơ hội chạm đến ước mơ của mình khi được tuyển thẳng vào Nhạc viện TP.HCM.
“Tháng đầu em chỉ chạy được 1 tuần 3 buổi, còn lại phải bổ máy ra sửa. Rồi mùa đông phải điều chỉnh nhiệt độ khác mùa hè, nói chung là không dễ như mình nghĩ”, anh Lượng chia sẻ, và cho biết, thời gian gần đây, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn khiến con đường khởi nghiệp của anh càng chông gai. “1 tuần em chỉ chạy máy 3 lần để tiêu thụ trấu vì em vẫn nhập liên tục của bà con về. Em đang tìm đầu ra mới”, anh Lượng trầm tư.
Anh Đào Phú Dương, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, cho biết các tổ chức Đoàn sẽ vào cuộc giúp anh Lượng vượt qua thời kỳ khó khăn. Đáng mừng hơn, sau khi anh Lượng tham dự triển lãm Khởi nghiệp sáng tạo Hải Phòng lần thứ nhất (diễn ra vào chiều 8.9 vừa qua), Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải đã nhập 10 tấn củi trấu Fire Blue để làm nhiên liệu. Sau khi dùng thử, ông Vũ Văn Cao, Phó giám đốc công ty này, cho biết: “Củi của Lượng chắc hơn nhiều nơi khác nên cho nhiệt tốt hơn, dùng tiết kiệm hơn củi cây bình thường. Chúng tôi sẽ xúc tiến hợp đồng và nhập lâu dài với cậu ấy”.
Tiếp cận được đầu ra mới nói trên khiến Lượng tự tin hơn. “Em sẽ mạnh dạn đi tìm kiếm và gặp gỡ khách hàng hơn. Em tin em sẽ thành công và chứng minh cho mọi người thấy người khiếm thị hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc sống, công việc mà không cần đến sự thương hại hay trở thành gánh nặng của người khác”, anh Lượng nói.
Bình luận (0)