Ý chí vênh thực tiễn

01/05/2017 07:10 GMT+7

Quy hoạch dựa trên mong muốn chủ quan nhiều hơn thực tiễn là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án đã chết yểu hoặc sống lờ đờ.

Gần 20 năm thực hiện, khu công nghệ cao Hòa Lạc (CNC) đã đón nhận những tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, FPT, VNPT… xây dựng và mở rộng trụ sở nghiên cứu. Nhưng dấu hiệu tích cực này cũng khó xóa nhòa một thực tế là chưa có sự hiện diện của các tập đoàn nước ngoài lớn tại đây. Dù Hòa Lạc có đầy đủ các yếu tố như giao thông kết nối, gần Hà Nội, quỹ đất lớn, nhưng thay vì chọn khu CNC đầu tiên của miền Bắc này, Samsung, LG, Nokia... đều đã lựa chọn và mở rộng quy mô hoạt động tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Hà Nội, trong bối cảnh ngân sách Hà Nội lâu nay ít để ý đầu tư cho khu vực ngoại thành, chưa có chính sách ưu đãi cụ thể, không chỉ Hòa Lạc, mà các trường ĐH cũng đã chọn xây dựng cơ sở 2 ngoài Hà Nội. Như Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Luật tại Bắc Ninh, ĐH Y, Xây dựng tại Hà Nam...
Còn theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, các chuyên gia Nhật Bản, những người từng đề xuất ý tưởng về khu CNC Hòa Lạc từ thập niên 1990 đã lấy mô hình thành công từ TP công nghệ Tsukuba (cách Tokyo 60 km). TP này đã thực sự phát triển mạnh mẽ khi kết nối với Tokyo bởi tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao vận hành năm 2005, rút ngắn thời gian đi lại còn 45 phút so với 85 phút trước đó. Tsukuba hiện đã thu hút được 19.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, cũng như sinh viên nước ngoài theo học.
“Mấu chốt của đô thị vệ tinh là đô thị chùm cho đô thị trung tâm, nên tính kết nối phải đặt hàng đầu. Nhưng Hòa Lạc hiện nay kết nối chỉ trông đợi vào xe buýt và sắp tới là BRT (xe buýt nhanh khối lượng lớn), trong khi tuyến đường sắt đô thị dự kiến nhiều năm trước nay vẫn chỉ là dự kiến”, ông Ánh cho hay.
Ý chí phát triển đô thị vệ tinh cũng như chủ trương giãn dân của Hà Nội đang rơi vào vòng luẩn quẩn khi thiếu vốn, thiếu đầu tư hạ tầng kết nối, nên ngoại thành và vệ tinh thiếu sức hút với người dân, trong khi các trụ sở bộ ngành, trường học, bệnh viện vẫn kiên trì bám trụ nội đô. Nhiều nhà máy, xí nghiệp di dời thì chung cư, cao ốc lại mọc lên, hút một lượng người khổng lồ vào nội đô sinh sống. Đây là một trong những lý do khiến hàng loạt khu đô thị ma, quy mô hoành tráng đã biến thành hoang phế, cỏ mọc lút do người dân không muốn đến ở.
Theo TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, dù TP đã xây dựng một loạt khu đô thị mới ngoài trung tâm nhưng không giãn được dân nội đô mà thậm chí còn hút dân vào. Nguyên nhân chủ yếu do vùng ngoại ô chưa đủ sức hấp dẫn, giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đều kém hơn nội đô. Với quy hoạch hàng chục khu đô thị đi cùng với 5 đô thị vệ tinh, việc tránh lặp lại tình trạng những khu đô thị ma này là điều Hà Nội phải cân nhắc kỹ, không chỉ để tránh lãng phí quỹ đất, mà còn giảm thiểu nguy cơ thất bại của mục tiêu giãn dân.
Tránh quy hoạch duy ý chí
Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, những TP đô thị ở các nước đang phát triển, đặc biệt là Đông Nam Á luôn tồn tại sự chênh lệch giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển, cũng như sự thiếu hụt nguồn lực. Hầu hết quy hoạch đều bắt nguồn từ phía cầu - nhu cầu phát triển vùng, mà ít từ phía cung - danh mục các chương trình, dự án khả thi, các nhà đầu tư tiềm năng, dẫn đến việc đầu tư dàn trải, chậm hoàn thành, kém hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là có quá tham vọng khi thực hiện cùng lúc 5 đô thị vệ tinh, thay vì dồn sức cho 1 - 2 khu trọng điểm tạo sức bật thật sự? Nếu triển khai cả 5 khu, đâu là giải pháp để đô thị vệ tinh hoạt động hiệu quả, không đi chệch mục tiêu? Theo các chuyên gia, 5 năm cho việc cụ thể hóa thành quy hoạch chi tiết là quá dài, cần đẩy nhanh việc quy hoạch định lượng, định tính cụ thể cho đô thị vệ tinh như: danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi... Giãn dân, hạn chế phát triển trong khu vực nội đô phải tiến hành đồng bộ với các giải pháp phát triển khu vực ngoại ô và đô thị vệ tinh theo cơ chế “trong đẩy, ngoài hút” thì mới có hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.