Ai từng đến bệnh viện cũng cảm nhận rõ rằng, với bệnh nhân đôi khi chỉ cần loáng thoáng nhìn thấy bác sĩ trực đi ngang qua phòng của mình giữa đêm hay ghé vào hỏi thăm một câu cũng đủ để làm cho cơn đau dịu lại. Chiếc áo trắng của bác sĩ trở thành biểu tượng về niềm hy vọng, sự an tâm và cứu rỗi của họ và người nhà.
Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, con người ngày càng bị quá nhiều thứ do con người nghĩ ra tác động lại làm cho họ không còn giữ được như danh xưng mà bao nhiêu người tôn kính.
Mấy hôm nay, TAND TP.HCM đưa ra xét xử vụ án “buôn lậu” thuốc chữa bệnh và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Lãnh đạo công ty này đã chỉ đạo các bị cáo cấp dưới làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc nộp cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để nhập khẩu 200.000 hộp thuốc. Trong số này, có hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg dùng để điều trị bệnh ung thư giả không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện sử dụng cho người bệnh. Ngoài ra, bị cáo còn sử dụng con dấu, chữ ký của 2 công ty nước ngoài để làm giả hợp đồng mua bán nhập khẩu nhiều loại thuốc khác, sau đó nâng khống giá so với thực tế.
Số tiền chênh lệch do nâng khống giá thuốc được chi hoa hồng cho các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc của công ty. Trước tòa, lãnh đạo công ty còn nói là “không biết thuốc giả”.
Gia đình nào từng có người bệnh ung thư thì biết, những loại thuốc quý đều không được bảo hiểm chi trả mà cá nhân phải tự thanh toán, nên đa phần gia đình khánh kiệt vì người bệnh. Họ đưa thuốc giả vào bệnh viện để bòn rút tiền của những người sắp chết, của những gia đình bán cả nhà cửa ruộng vườn, thì y đức ở đâu?
Còn những bác sĩ nhận tiền để đưa các loại thuốc trên vào bệnh viện, kê toa cho bệnh nhân dùng. Y đức của họ ở đâu, lời thề Hippocrates của họ ở đâu?
Trong các bệnh viện, phòng khám hiện nay, vẫn còn tồn tại một số bác sĩ kê đơn và chỉ định nhà thuốc để bệnh nhân mua với giá thuốc cao hơn nhiều nhà thuốc khác. Chưa hết, một số còn sử dụng nghiệp vụ để kê đơn thuốc không phải để chữa bệnh mà để... kéo dài bệnh tật, gọi nôm na là “nuôi khách hàng”, biến “bệnh ít thành bệnh nhiều”. Không có sự tàn nhẫn nào hơn thế!
Có lẽ đã đến lúc nên nhìn nhận về nghề y một cách thiết thực và giản dị hơn. Mối quan hệ của thầy thuốc với bệnh nhân nên bắt đầu là mối quan hệ của một người làm nghề với khách hàng của mình. Biết đâu, sự tôn trọng đôi khi đơn giản sẽ bắt đầu chính từ lợi ích của cả từ hai phía.
“Lương y như từ mẫu” không phải làm lương y thì làm bố mẹ thiên hạ theo nghĩa “cho ăn gì ăn nấy, nói gì nghe nấy”. Hippocrates từng nói: “Nghệ thuật của y học là nghệ thuật của tình yêu thương nhân loại”.
Kiếm tiền trên tính mạng người khác thì yêu thương đặt ở chỗ nào?
Bình luận (0)