Ý kiến sinh viên: Để trở thành người bạn đồng hành

05/12/2018 07:47 GMT+7

Trước thềm Đại hội Hội Sinh viên VN, nhiều sinh viên đã có những đề xuất thiết thực để đóng góp, giúp Hội thực sự là người bạn đồng hành.

Cần chương trình định hướng nghề nghiệp cho sinh viên
Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Hội Sinh viên (SV) VN lần thứ X, các giải pháp tạo môi trường cho SV rèn luyện đạt danh hiệu SV 5 tốt đã toàn diện và phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhu cầu của SV, công tác Hội và phong trào SV giai đoạn tới. Tuy nhiên, các hoạt động định hướng nghề nghiệp ngay trong quá trình học tập còn chưa được nêu ra; các hoạt động tạo môi trường học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học còn chưa được phổ biến rộng rãi, chung chung và chưa đi được vào từng chuyên ngành đào tạo cụ thể.
Hội cần đưa ra các giải pháp tạo môi trường giúp SV chủ động học tập, tích cực nghiên cứu khoa học và tăng cường khả năng sáng tạo. Cụ thể, cần tổ chức các cuộc thi về học thuật của từng chuyên ngành trên địa bàn từng miền, cả nước. Ví dụ những cuộc thi về y học, kỹ thuật… giữa các trường trên cả nước để thúc đẩy tinh thần học tập giữa các SV; xây dựng cơ sở dữ liệu, diễn đàn để SV của từng ngành có thể truy cập trao đổi kiến thức, tìm hiểu dữ liệu. Đặc biệt là những kiến thức về nghiên cứu khoa học cơ bản để SV có thể học cách làm đề tài nghiên cứu và tìm những đề tài phù hợp.
Hội cần kết hợp với các công ty, nhà tuyển dụng để xây dựng những mô hình thực tập, giúp SV có kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành tốt, vừa học vừa làm. “Kiến thức không chỉ ở sách vở mà SV rất cần có kiến thức thực tế ngay từ khi đang học. Vì vậy, Hội cần xây dựng những mô hình thực tập, giúp SV có kiến thức thực tế. Đồng thời, có những chương trình định hướng nghề nghiệp cho SV ngay từ những năm đầu tiên để SV có mục tiêu học tập rõ ràng, đúng đắn.
Hội cần tìm hiểu những mô hình học tập của từng ngành học tại nước ngoài, từ đó giúp SV tiếp cận tới những phương pháp học mới. Mở những cuộc tọa đàm, giao lưu với các du học sinh hoặc SV nước ngoài và SV trong nước để họ tìm được nhiều cơ hội học tập, học bổng du học hơn.
Hầu Dương Trung 
(Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Y Hà Nội)
Cần gạt bỏ tư tưởng “làm giúp”, “làm hộ”
Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân Ngô Tuấn Sơn - Ảnh: NVCC       
Để phong trào SV tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, Hội cần tăng cường việc phát huy kiến thức chuyên môn của SV; hạn chế hoặc lược bỏ các hoạt động chỉ mang tính hình thức, không đi vào thực tiễn cuộc sống.
Muốn vậy, khi triển khai phong trào tình nguyện, Hội cần xác định rõ địa phương, nhân dân đang cần gì và đầu tư vào lĩnh vực nào để có thể định hướng SV tại các trường đại học, cao đẳng mạnh về lĩnh vực đó thực hiện.
Bên cạnh đó, Hội cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân cũng như tăng cường công tác giáo dục, giảng dạy chuyên môn, chuyển giao các mô hình mới nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn của người dân. Cần gạt bỏ tư tưởng “làm giúp”, “làm hộ”, thay vào đó là giúp cho người dân nhận biết vấn đề cấp thiết của xã hội. Ví dụ như bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội… hoặc giúp người dân có thể tự áp dụng các mô hình mới để chủ động phát triển kinh tế. Về công tác xây dựng Hội SV vững mạnh, T.Ư Hội cần hỗ trợ các cơ sở Hội tham mưu với cấp ủy thực hiện về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội SV VN, Hội LHTN VN trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề để có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ Hội, đặc biệt với cán bộ Hội là SV, vì theo quyết định hiện hành, các phụ cấp tính bằng hệ số. Tuy nhiên, đối với cán bộ Hội là SV, không có hệ số lương nên việc đề xuất cơ chế với cấp ủy còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai.
Ngô Tuấn Sơn (Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.