Theo tập tục của người Việt, ngày tết đến, có nhiều việc làm đã trở thành thói quen như: lì xì, chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, sắm hoa mai, hoa đào, hái lộc đầu năm. Những tập tục này có ý nghĩa thế nào và có còn phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay?
Ý nghĩa của các tập tục quen thuộc
Một số nhà dân Nam bộ hay trồng vài ba cây mai trước sân để tô điểm thêm cho không gian ngôi nhà dịp xuân về. Mai là loại cây dễ trồng, để càng lâu năm, gốc càng to thì cây mai càng có giá trị.
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo và đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết, thường độ giữa tháng chạp, tùy theo độ búp của từng cây mai, chủ nhân cẩn thận lặt từng lá một để hoa trổ đúng dịp tết.
Ngày tết, trang trí trong nhà cùng cây mai còn có vạn thọ, hoa cúc, hoa đồng tiền... với màu sắc rực rỡ tạo không khí tươi mới. TS Dương Hoàng Lộc cho hay, theo phát âm của địa phương Nam bộ, tên gọi của hoa mai đồng âm với sự may mắn của con người (mai/may), rất cần cho sự khởi đầu của một năm mới.
Vì vậy, những người ăn nên làm ra, khi chơi mai họ lựa rất kỹ, đó là những gốc mai to, da sần sùi, lốm đốm rêu xanh phủ, nhất là sao cho hoa trổ bung, vàng rực vào đúng ngày mùng một tết - theo quan niệm dân gian thì năm đó chắc chắn công việc làm ăn sẽ thuận lợi, thành công và sự nghiệp thịnh vượng.
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cũng cho rằng, bài học về hoa mai nhắc nhở con người ta một giá trị rất đẹp về kiếp người. Theo đó, gần tết thì chúng ta phải lặt lá mai cho hết, tức là mức độ tiêu thụ năng lượng của chúng ta cái gì không cần thiết thì mình cần rũ bỏ đi.
"Mỗi ngày chúng ta tiêu thụ những năng lượng không cần thiết, những lời nói, vui chơi, tiêu hao quá sức, mất đi nhuệ khí mỗi con người để chúng ta nuôi dưỡng thái độ thì làm sao có được hoa mai, sự thơm thảo. Cho dù hoa mai hay hoa đào cánh còn tươi vẫn rụng xuống chứ không chờ héo đâu nên tất cả các giá trị cuộc đời đều có đẹp cái nếu chúng ta biết cách vận dụng. Cánh hoa ở trên cũng đẹp, cánh hoa trong chậu cũng đẹp, cánh hoa rớt xuống nền nhà vẫn đẹp như thường. Tất cả hành động, lời nói, việc làm, cử chỉ hành động của chúng ta để lại cho đời là phải để những cái tốt đẹp nhất", vị thượng tọa chia sẻ.
Tục hái lộc đầu năm đã lỗi thời?
Cũng theo thượng tọa Thích Trí Chơn, truyền thống ngày tết chúng ta hay làm bánh chưng bánh dày hoặc bánh tét. Bánh chưng bánh dày là nói về trời tròn đất vuông nhắc nhở chúng ta về bài học địa lý, truyền thống cội nguồn.
Hái lộc đầu năm đã không còn phù hợp
Ở các làng quê tầm 20 năm trước, hái lộc đầu năm tức là vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mùng 1 tết khi đi ra đường, chúng ta hái một nhành cây vừa trổ non mang về nhà để mong một năm mới có "nhiều lộc".
Sau này, trong quá trình đô thị hóa, việc hái cây cối ngoài đường cũng không phù hợp, người ta hay mua cây mía về để trong nhà tượng trưng cho "lộc", đi chùa xin 1 chai nước, 1 quả trên bàn thờ về làm "lộc". Người Việt tin rằng từ một chút xíu "lộc" này sẽ sinh sôi nảy nở.
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, khái niệm đi hái lộc đầu năm ngày nay đã trở nên lỗi thời. Mỗi người muốn hạnh phúc phải cho đi, hiến tặng, bảo vệ môi trường. Do vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng đến chùa ngắt một cái mầm cây gì đó mang về nhà thì là có lộc.
"Chúng ta phải nhớ một điều rằng là chúng ta phải gieo những lộc nhỏ nhất, thiện lành để gặt hái quả thiện lành. Tất cả chúng ta mơ ước đều là quả, hạnh phúc bình an may mắn sức khỏe trí tuệ, nhưng chúng ta hãy ngẫm lại mà xem, tất cả đều là quả mà chúng ta quên cái nhân", vị thượng tọa phân tích.
Về việc ngắt một đọt cây mang về nhà ngày đầu năm, thượng tọa Trí Chơn cho rằng thực ra, đó chỉ là một cái biểu tượng, tâm lý do chính mình tạo ra chứ không mang dấu ấn tâm linh thực thụ.
Sư thầy nhấn mạnh: "Chùa là nơi sinh hoạt của số đông, của tập thể, của cộng đồng, là nơi để bá tánh tụ về và nếu mỗi người một cái cành, một cái lá thì không còn gì là vẻ đẹp của ngôi chùa; đó là chưa nói tàn hại môi trường và ảnh hưởng đến sức sống của chúng ta. Không riêng gì ở chùa, ở đâu chúng ta cũng cần biết nâng niu từng cọng cây, ngọn cỏ vì chăm sóc môi trường như chăm sóc chính mình, bảo vệ môi trường như bảo vệ chính mình và hãy kính trọng những người xung quanh như kính trọng chính mình".
Cuối cùng, vị thượng tọa đưa ra lời khuyên, những tập tục đẹp chúng ta hãy duy trì, còn những tập tục không còn phù hợp với thời đại nữa thì chúng ta cần mạnh dạn bỏ đi để lấy phong tục đẹp tô đẹp cho đời.
Bình luận (0)