Từ 16.7.2020 cha mẹ không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng. Thông tin xôn xao trên mạng xã hội là một trong những điểm mới của Thông tư 04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch, có hiệu lực từ 16.7.2020. Theo đó, trong nội dung khai sinh thì việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Vậy người Việt đặt tên cho con thường theo chuẩn gì?
Chọn sẵn 6 cái tên mà chỉ đẻ 5 đứa
Tục ngữ có câu “coi mặt, đặt tên”, tức phải dựa vào đặc điểm, giới tính, quê hương đứa trẻ, gia cảnh, ước vọng đấng sinh thành,… mà lựa tên cho kỹ càng. Việc đặt tên con lại là cái quyền chung nhất cho các bậc cha mẹ, bất kể sang hèn, ít chữ hay trí thức. Rồi 9 người 10 ý, trong khi về nguyên tắc từ nào trong tiếng Việt cũng có thể thành tên. Vậy nên nói chuyện cái tên là nói hoài chẳng hết!
Trong 13 cách đặt tên được PGS.TS Lê Trung Hoa nghiên cứu thống kê, có cách lấy tên các danh nhân, nghệ sĩ, nhân vật trong tác phẩm văn nghệ. Chẳng hạn họ Lục thì đặt Lục Vân Tiên, họ Đàm thì đặt Đàm Vĩnh Hưng. Âu cũng là hướng đặt tên kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Hiếm ai đi lấy tên nhân vật phản diện đặt cho con.
Ấy là cha mẹ có hơi hướng “trữ tình” một chút. Còn đơn giản hơn nữa thì đặt theo một trật tự nhất định, thường thấy ở gia đình đông con ngày xưa. Một, Hai, Ba, Bốn hay Nhất, Nhị, Tam, Tứ, cứ thế dần dà đến tận Mười Một, Mười Hai.
|
Cũng không hiếm trường hợp ngay từ con đầu lòng, cha mẹ đã ấp ủ sẵn một trật tự tên cho những đứa sau! Tùy vào kế hoạch của mỗi gia đình mà chọn các thành ngữ, cụm từ tốt đẹp phù hợp số lượng chữ. Nếu đẻ 4 đứa thì lần lượt là An, Khanh, Thịnh, Vượng. 8 đứa thì Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí, Công, Vô, Tư. Nhưng cũng từ đó mà có những câu chuyện dở khóc dở cười vì “vỡ kế hoạch”, được người ta truyền tai nhau.
Gia đình kia đẻ được Vinh, Hoa, Phú, Quý lại… lọt thêm đứa thứ 5, rồi nghĩ mãi chẳng ra tên, đành đặt là Hoài. Có nhà đặt sẵn Công, Thành, Danh, Toại, Vẻ, Vang, đột nhiên xong đứa thứ 5 thì đợi mãi chẳng ra đứa thứ 6. Vừa sốt ruột vừa tiếc công chọn lựa, cả nhà đành đi mua một con chó về nuôi để đặt Vang cho nó tròn vẹn. Người ngoài nghe gọi cứ tưởng là Vàng, cái tên phổ biến của loài vật này, cũng còn may!
Tên tốt đẹp Thái, Đức, Lành lại bị… trêu chọc!
Nhà nội tôi có gia đình của người chị họ, vợ chồng tên Đức, Mỹ, đặt 2 đứa con là Nhật Anh, Ý Nga. Mỗi đứa ghép cả 2 nước luôn, vì có cả trăm nước mà, sinh bao nhiêu cũng tha hồ lấy mà đặt!
Chuyện đặt tên theo nước ấy là cách đặt tên có liên hệ đến không gian, cũng khá phổ biến ngày xưa. Cách này còn có đặt theo tên các miền Bắc, Trung, Nam, tên hướng Đông, Tây. Hay các địa danh gắn liền với quê hương, nơi gặp gỡ của cha mẹ, nơi sinh của con như Hải Vân, Hà Tiên. Một số văn nghệ sĩ còn chiết tự hơn, như Tản Đà là ghép từ núi Tản, sông Đà, hay Nam Cao ghép từ chữ đầu của tổng Cao Đà, huyện Nam Sang vốn là quê hương nhà văn.
Không gian có thì thời gian cũng có. Để dễ nhớ, cha mẹ cũng thường đặt tên con theo năm sinh Tí, Sửu, Dần; các can của năm sinh Giáp, Ất, Bính, Đinh; các mùa sinh Xuân, Hạ; ngày sinh Quốc Khánh (2.9) hay biến cố chính trị xã hội Tản Cư, Hòa Bình.
|
Thêm một cách đặt tên đơn giản nữa, thường thấy ở những gia đình nông dân là lấy các vật dụng trong gia đình. Dụng cụ thì có Dao, Bào, Đục, hay các bộ phận như Tường, Cột, Rui, Mè, kiểu như trước khi đi làm giấy khai sinh, nhìn trong nhà có cái gì thì đặt cái ấy! Những cái tên đó giờ đây ít gặp vì mọi thứ đã hiện đại hóa quá nhiều.
Còn phổ biến dài lâu từ xưa đến nay là cách đặt lấy tên động vật. Đặt theo tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng hay theo các loài chim chẳng hạn. Có điều không phải chim nào cũng có thể lấy bừa! Những loài hót hay, dáng đẹp như Loan, Phượng, Họa Mi, Yến, Sơn Ca,… thì ổn, chứ chẳng ai đặt Quạ, Diều Hâu, Cú Vọ bao giờ!
Lấy tên thực vật cũng vậy, thông thường thì Mận, Xoài, Cam, Quýt, sang hơn thì Cúc, Trúc, Tùng, Mai, sắc hương một chút thì Lan, Cúc, Hải Đường. Có ai lấy Tắc, Tiêu, Dưa Leo, Dưa Hấu, Cà Chua đâu! Tên Lài thì có, nhưng ngặt nỗi cái câu "Hoa lài cắm bãi khiến nhiều người cũng ái ngại.
|
Nói chuyện né tên thì lại có vô vàn. Chẳng hạn dựa theo thiên nhiên đặt Vũ (mưa), Phong (gió) thì được chứ ít thấy tên Sấm, Sét, Sóng Thần! Kỳ Thư, Ngọc Thư, Kim Thư thì có chứ không bao giờ nghe… Ung Thư.
Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng né được! Có bậc cha mẹ đặt con tên Thái để mong con thông thái, tên Đức để mong con sống đức độ, tên Lành để hướng về điều thiện điều lành. Chẳng ngờ một ngày thấy con đi học về bù lu bù loa, hỏi ra mới biết bị lũ bạn “trời đánh” nói lái bậy bạ, thành ra Đức C., Tú Đ., Tú C. … Cũng tội đứa con, cái tên ba mẹ đặt từ lúc lọt lòng, có thích hay không thì lúc đó cũng chỉ biết khóc oe oe chứ đâu làm gì được! Thiệt dở khóc dở cười!
Ở một hướng khác, có những cái tên cha mẹ đặt mang nghĩa tục với chủ ý hẳn hoi như Cu, Chim, Hĩm,… Có tên nhìn lại “nghịch” mắt một chút, vì dù là danh từ riêng nhưng vẫn thấy “dáng dấp” sai chính tả: Thành Nhâng, Hồng Liêng, Quan Vinh, Thanh Xan, Duy Nhấc,… Có cả những tên dù có vò đầu cắt nghĩa cách mấy cũng chẳng hiểu nổi như Néo, Trá, Cổn, Bường, Sãi,…
Những cách đặt tên đặc biệt này sẽ được bàn tiếp ở bài viết sau.
Bình luận (0)