Y tế cơ sở miền Tây quá tải

10/11/2021 06:57 GMT+7

Miền Tây (gồm 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL) chiếm gần 20% dân số cả nước, đây là khu vực thuộc 'vùng trũng' về y tế.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang tăng nhanh, tuyến y tế cơ sở tại khu vực này càng bộc lộ nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, đội ngũ y bác sĩ (BS) tuyến y tế cơ sở (YTCS) hiện nay rất mỏng; mỗi trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn trong tỉnh chỉ có vài y BS, điều dưỡng, nhưng phải tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện hàng loạt công việc như: trực tại các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng Covid-19… nên bị quá tải.

Trong khi đó, Sóc Trăng đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án để sớm triển khai cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; đồng thời thành lập các TYT lưu động trong toàn tỉnh, nên lực lượng YTCS đã thiếu lại phải gánh việc nhiều hơn. Trước thực trạng trên, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị T.Ư và các địa phương bạn chi viện thêm lực lượng y BS, kịp thời hỗ trợ cho tuyến YTCS tỉnh này phòng, chống dịch Covid-19.

Tiêm vắc xin nhóm đối tượng ưu tiên ở Vĩnh Long

XUÂN PHÚC

Theo ông Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mặc dù hiện nay tỉnh vẫn chủ động tổ chức được khoảng 7.000 giường bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng đang thiếu hụt lớn về trang thiết bị y tế và đặc biệt là gặp khó khăn lớn do lực lượng y BS chỉ đáp ứng khoảng 50% để điều trị cho bệnh nhân tầng cao (bệnh nhân nặng). Riêng tuyến YTCS bị quá tải về lực lượng và thiếu trang thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Covid-19 sáng 10.11: Cả nước 984.805 ca nhiễm, 842.800 ca khỏi | Hà Nội ghi nhận kỷ lục dịch bệnh

Tại An Giang, trước tình hình dịch Covid-19 liên tục tăng cao từ giữa tháng 10 đến nay, tỉnh này đã phải trưng dụng, trang bị nâng cấp hơn 200 xe cấp cứu thành TYT lưu động, góp phần hiệu quả trong điều trị Covid-19 trên địa bàn. Tại 156 xã, phường của tỉnh An Giang, mỗi nơi đều có từ 1 - 3 TYT lưu động, đảm bảo cấp cứu ban đầu và chuyển viện các trường hợp nguy cấp.

Còn tại Đồng Tháp, số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng nhanh, khiến cho các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trong tỉnh có nguy cơ “vỡ trận”. Ngoài 17 cơ sở điều trị F0 với công suất 3.315 giường bệnh, Đồng Tháp đã tổ chức 122 TYT lưu động tại các xã, phường trong toàn tỉnh. Ông Trần Văn Hai, Giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Số ca mắc Covid-19 của tỉnh tăng quá nhanh khiến hệ thống YTCS bị quá tải do phải mất rất nhiều thời gian truy vết, điều tra dịch tễ, đưa F0 đi cách ly điều trị, đồng thời phải lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và phụ trách tiêm vắc xin ngừa Covid-19…”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai TYT lưu động, tỉnh đã trang bị, bổ sung cơ số thuốc, nâng cấp hệ thống ô xy và đưa vào vận hành các xe cấp cứu này như một TYT lưu động. Hiện hơn 200 TYT lưu động này góp phần rất hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh”.

Nhiều nơi khủng hoảng nhân lực

Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết so với quy định hiện nay, về cơ cấu chuyên môn thiếu BS chuyên sâu một số lĩnh vực y khoa, thiếu các ê kíp thực hiện kỹ thuật chuyên môn sâu. Nhiều trung tâm y tế huyện cũng thiếu trầm trọng BS… Hiện UBND tỉnh Quảng Nam cho phép tuyển dụng hợp đồng để đủ chỉ tiêu biên chế được giao.

Tại Thừa Thiên-Huế, theo PGS-TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế, địa phương có 141 TYT xã, phường và hệ thống y tế tuyến huyện, TP, bệnh viện chuyên khoa đảm bảo công tác KCB từ thấp đến cao. Địa phương cũng tổ chức phân tầng 3 cấp phòng chống dịch Covid-19, trong đó cấp xã phường chỉ đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu, giám sát y tế… Tuy nhiên, nhìn chung trang thiết bị YTCS vẫn còn yếu, thiếu và không đồng bộ do đa số trang thiết bị được cấp qua nhiều nguồn, hầu hết đã cũ.

Tại Quảng Bình, cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế còn hạn chế... nên thời gian đầu số F0 tăng quá nhanh khiến việc điều tra truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị có thời điểm gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng phương án thiết lập TYT lưu động, dần hoàn thiện hệ thống ô xy y tế từ tuyến xã đến huyện; kiến nghị sửa chữa cải tạo để chuẩn hóa các TYT xã theo kế hoạch thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Mạnh Cường - Bùi Ngọc Long - An Dy - Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.