Đây cũng là cách làm hay mà trước đó có rất nhiều nơi vận dụng khá linh hoạt mạng xã hội để kết nối, xử lý các thông tin phản ánh của người dân.
Cũng như tại Đà Nẵng, nhiều người đã biết đến trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: tiện nghi - xanh - sạch - đẹp từ lâu là cầu nối tin cậy tiếp nhận và xử lý thông tin các phản ánh về vấn đề đô thị tại TP này. Các phản ánh của người dân về vấn đề trật tự đô thị được xử lý kịp thời, nhanh chóng nhờ kênh tương tác trên. Hay các fanpage khác về an toàn giao thông đã được lập để tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời cũng là kênh để người dân “tố giác”, điều chỉnh các hành vi giao thông phạm luật để lực lượng chức năng răn đe, xử lý hiệu quả.
Trong thời đại 4.0, chỉ cần một cái click chuột trên Google, những thuật ngữ quen thuộc thời kỳ số hóa như: “cộng đồng mạng”, “an ninh mạng”, “cư dân mạng”, “lừa đảo qua mạng”, “hot trend”... xuất hiện hàng loạt. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ lột tả sự đa dạng, phức tạp của một mối quan hệ xã hội mới, được hình thành thông qua “bàn phím” với đầy đủ cung bậc, sắc thái giữa cơ hội lẫn rủi ro, tích cực và tiêu cực; đơn giản đến phức tạp. Nhưng thật tiếc, khái niệm “ý thức công dân mạng” dường như vẫn còn lạ lẫm với nhiều người, cho dù việc gọi tên lại rất quen thuộc chỉ qua các việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt, như: báo xấu về thông tin sai, tố giác hành vi sai, không like hay share các thông tin kích động thiếu kiểm chứng...
Ở một xã hội đặc thù nơi không gian mạng mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, luôn đòi hỏi hơn nữa sự tỉnh táo và trách nhiệm để hình thành văn hóa ứng xử gắn với ý thức, trách nhiệm công dân. Và ở đó, người dùng trước khi đạt mục tiêu trở thành một công dân mạng thông thái, hãy bắt đầu bằng mục tiêu một công dân mạng có trách nhiệm.
Bình luận (0)