Ý thức kiểu gì khi hát hò tra tấn xóm giềng ?!

17/04/2020 07:57 GMT+7

Án mạng từng xảy ra vì những mâu thuẫn, xô xát không kiềm chế được quanh cái loa kẹo kéo ồn ào, nhưng xem chừng mọi cảnh báo chưa thấm được đến tai những người… “hát bất chấp”.

Lại thêm một vụ xô xát dẫn đến án mạng chỉ vì “cái loa kẹo kéo quá ồn ào”. Hàng trăm ý kiến bức xúc của bạn đọc Báo Thanh Niên một lần nữa đặt câu hỏi 'ý thức kiểu gì' khi vài người hát hò để cả xóm phải chịu trận.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 15.4, Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) tạm giữ nghi phạm Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, quê Bến Tre; tạm trú tại một nhà trọ ở ấp 6, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh) để điều tra hành vi đâm chết người sau khi bị nhắc nhở việc hát hò ồn ào với… loa kẹo kéo.

Hát hò bất chấp

Mặc dù nạn ô nhiễm tiếng ồn vì cảnh hát hò không ý thức trong các khu dân cư đã được cảnh báo nhiều lần; án mạng từng xảy ra vì những mâu thuẫn, xô xát không kiềm chế được quanh cái loa kẹo kéo ồn ào, nhưng xem chừng mọi cảnh báo chưa thấm được đến tai những người… “hát bất chấp”. Bạn đọc (BĐ) Trần Gia (TP.HCM) bức xúc đề nghị “cơ quan quản lý nhà nước phải giải quyết việc này một lần cho xong đi chứ”, đồng thời đưa ra luôn giải pháp: “Karaoke tại nhà cũng bắt buộc phải cách âm, hoặc gia đình đóng kín cửa lại, chứ không thể nào chịu nổi khi bên này hát, bên kia cũng hát, hát bất chấp giờ giấc. Con cái không học bài được, cả nhà muốn nghỉ ngơi cũng không xong”.

Các cơ quan chức năng làm ơn dẹp giùm ba cái karaoke tra tấn này cho xã hội yên ổn. Chịu hết thấu hát với hò vô tội vạ.  

 Chiều (Cần Thơ)

BĐ Phan Văn Dung (Bà Rịa-Vũng Tàu) dẫn chứng ngay câu chuyện của gia đình mình: “Mấy năm nay ở xóm tôi có mấy nhà trọ xây mới, trời ơi, cứ sau giờ làm là công nhân họ hát... rầm trời. Nhất là chủ nhật nghỉ, họ hát cả ngày. Đành chịu trận chứ biết sao giờ?”. Nhưng nhiều BĐ thì lo lắng “trong bối cảnh cách ly xã hội hiện tại, đâu phải ai cũng nhẫn nại mà chịu trận” như BĐ Phan Văn Dung.
Đồng cảm, BĐ Kiên (Bình Dương) đề nghị: “Cần tịch thu mấy cái karaoke kẹo kéo này, xử lý luôn mấy người hát hò không có ý thức”. Còn BĐ Trí (TP.HCM) nhận xét ngoài việc nên “nâng mức phạt thật nặng từ 10 đến 20 triệu cho mỗi lần vi phạm” thì “lực lượng công an phải làm thật nghiêm, nếu không thì e rằng còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng nữa…”.

Phải xử ô nhiễm tiếng ồn như vi phạm nồng độ cồn

BĐ An Nhiên (TP.HCM) nhận xét: “Việc hàng xóm hát karaoke bất kể ngày đêm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mọi người xung quanh, nhưng hiện nay tôi thấy chính quyền chưa có phương án xử lý rốt ráo. Trước đây, tôi từng gọi điện đến công an phường báo về việc hàng xóm gây ồn ào suốt đêm sau 23 giờ, nhưng không có ai xuống xử lý cả. Tôi rất bất bình về việc này”.

Chỉ có chuyện loa kẹo kéo, karaoke gây ồn mà bao nhiêu năm không xử lý nổi. Chính quyền địa phương cần xem lại mình.     

Tam (Hà Nội)

Rất nhiều BĐ ngạc nhiên vì ai nói gì mặc kệ, lắm người vẫn rước nguyên dàn loa “bự tổ bố hát rung cửa rung nhà, âm thanh lớn đến mức ở xóm khác còn nghe thấy”, thế mà khi hàng xóm sang nhắc nhở, thậm chí mang công an ra dọa, thì “họ còn thách thức rằng kêu công an đi”. BĐ P.T (TP.HCM) kể: “Tôi đã gọi điện thoại cho công an, họ nói rằng sẽ vô xử lý, nhưng chờ mãi chờ mãi vẫn không thấy... Bà của tôi vì chịu không nổi sức ép quá lớn của âm thanh họ hát karaoke mà bị đột quỵ, bây giờ liệt luôn rồi”.
Góp ý với cơ quan chức năng, BĐ Lê Thị Tấn (Đà Nẵng) nhắc lại “chiến dịch Nghị định 100” đã mang lại hiệu quả rất lớn, một khi các cơ quan chức năng đồng loạt nghiêm khắc ra tay và đặt vấn đề: “Tại sao dẹp được loạn nồng độ cồn trong giao thông? Đơn giản là chế tài thật nặng, làm thật nghiêm. Đã đến lúc phải có quy định chế tài thích đáng để dẹp nạn loa kẹo kéo, trả lại chất lượng sống cho dân, đặc biệt ở các khu dân cư, qua đó hạn chế những cái chết vô duyên, không đáng có”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.