Giành được giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019 do ĐH Quốc TP.HCM gia tổ chức mới đây, dự án Muzzy do Lê Văn Nhất (sinh viên năm 4, ngành khoa học máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) và Trần Ngọc Thảo Vy (sinh viên năm 4, ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) xây dựng đã nhận được 50 triệu đồng tiền mặt và được một đơn vị tư nhân đầu tư 1 tỉ đồng.
Trải nghiệm âm nhạc trong một không gian đầy chất trẻ
Đều là những thành viên của các ban nhạc acoustic (chỉ sử dụng hoặc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ mộc hoặc cổ điển), nên Nhất và Vy hiểu rõ nhu cầu âm nhạc của người trẻ, trong đó phần lớn là sinh viên. Cứ vào cuối tuần, Nhất và Vy lại cùng bạn bè tập trung lại, cùng chơi nhạc và hát với nhau.
Nhất chia sẻ: “Âm nhạc chính là sở thích và cũng là thứ gắn kết người trẻ. Sinh viên tụi em đều rất thích nhạc acoustic nên hầu như trường ĐH nào cũng có các CLB âm nhạc. Không chỉ thích nghe mà nhiều người còn muốn trải nghiệm, muốn học nhạc cụ để chính mình chơi, giao lưu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình có năng khiếu và sở thích thực sự ở nhạc cụ nào, và không phải ai cũng có điều kiện để đến các trung tâm dạy nhạc để học một cách bài bản. Vì thế, Muzzy ra đời để đáp ứng nhu cầu của các bạn, giúp các bạn được trải nghiệm âm nhạc mà ít tốn kém chi phí nhất, lại có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau trong một không gian âm nhạc mở”.
Sau khi khảo sát sinh viên ở 2 trường: ĐH Bách khoa TP.HCM và Kinh tế TP.HCM, Nhất và Vy thu được kết quả: Có khoảng 73% sinh viên có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm về âm nhạc. Có khoảng 1.000 trung tâm âm nhạc trên địa bàn thành phố và 300 quán cà phê acoustic gần như không hoạt động vào ban ngày. Tuy nhiên, chỉ có 12% sinh viên có điều kiện theo học nhạc tại các trung tâm do chi phí mua nhạc cụ và học phí khá cao.
Bên cạnh đó, Vy cho biết có sinh viên đầu tư mua một cây đàn guitar kha khá tiền và đi học. Nhưng sau đó phát hiện ra mình không thực sự thích guitar mà là thích… chơi trống hơn. “Tương tự, nhiều bạn muốn trải nghiệm nhưng chưa biết mình có thể chơi tốt nhạc cụ gì. Dự án này mong muốn giúp các bạn trải nghiệm trước để có cái nhìn rõ hơn về loại nhạc cụ mình muốn, biết được mình có hợp hay không rồi mới quyết định có nên đầu tư vào nó. Việc học sẽ diễn ra tại các quán cà phê acoustic, do những bạn có kinh nghiệm và chuyên môn trong một số loại nhạc cụ, hoặc là những giáo viên tại các trung tâm âm nhạc hướng dẫn. Chi phí chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc đến trung tâm học. Không những thế, không gian mang tính giao lưu sẽ thú vị hơn, đầy chất trẻ”, Vy nhận định.
Doanh thu ước tính hơn 200 triệu đồng/tháng
Theo Nhất, hiện tại nhóm có thêm đội ngũ nhân sự gồm Nguyễn Vương Phương, Nguyễn Lê Chí Bảo, Thái Hoàng Nguyên (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) và Lâm Thị Thu Ngân (Tường ĐH Kinh tế TP.HCM) để cùng phát triển dự án. “Tụi em đang bắt đầu xây dựng trang web để tháng 11 tới có thể ra mắt".
Dự án cũng sẽ xây dựng ứng dụng Muzzy để giúp tìm kiếm các quán cà phê acoustic còn trống, các giáo viên nhạc đang rảnh rỗi và các khóa học nhạc cụ. Mục tiêu trong giai đoạn 1 của nhóm là sẽ thu hút được 20.000 người dùng ứng dụng, 300 quán cà phê acoustic, 1.000 người hướng dẫn âm nhạc, 100 trung tâm, lớp dạy nhạc. Giai đoạn 2 số người dùng sẽ tăng lên 100.000 người và người hướng dẫn nhạc là 2.000”, Nhất cho hay.
Đối tượng mà Muzzy hướng đến là người trẻ từ 18-30 tuổi muốn khám phá trải nghiệm các sản phẩm âm nhạc khác nhau, nhưng doanh thu của dự án Muzzy lại đến từ các quán cà phê và những người đăng ký giới thiệu khóa học. Theo đó, mỗi quán cà phê tham gia sẽ mất 20% phí và người hướng dẫn, trung tâm âm nhạc sẽ mất 15% phí đăng ký lớp. Từ ý tưởng khởi nghiệp này, tổng doanh thu mà Nhất và Vy ước tính là 200-250.000.000 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)