'Yagon - những kẻ vô cảm': Huyền sử Việt trong thế giới fantasy

25/09/2018 13:30 GMT+7

Kể từ khi một phụ nữ Anh quốc vung cây đũa phép và đọc thần chú: 'Harry Potter!', rất nhiều người đọc Việt Nam mới ngỡ ngàng nhận ra rằng ngoài cái gọi là 'phản ánh hiện thực xã hội', vẫn có một dòng văn học khác dù không được giới hàn lâm ưa chuộng nhưng vẫn có thể khuynh đảo người đọc toàn cầu.

Bộ tiểu thuyết kỳ ảo của nữ văn sĩ J.K. Rowling đã tạo cảm hứng cho một số nhà văn và cây viết không chuyên của Việt Nam. Cho dù chưa có bộ sách nào thực sự trở thành best-seller nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng đối với những người có cái nhìn tiêu cực về sự đơn điệu của thể loại văn học trên thị trường trong nước. Và đến năm 2014, đã có sự đột phá trong cuộc thi Văn học tuổi 20 danh giá khi có những cuốn sách thể loại kỳ ảo (fantasy) được ban giám khảo nhất trí trao giải.
Bốn năm trôi qua và một trong những tác giả đoạt giải đã trở lại, đó là Phạm Bá Diệp với tiểu thuyết Yagon - những kẻ vô cảm (Nhà xuất bản Trẻ). So với Urem - Người đang mơ vốn đoạt giải khuyến khích Văn học tuổi 20 năm 2014, cây viết trẻ này đã có một bước tiến dài trong thể loại văn học kỳ ảo.
Yagon - những kẻ vô cảm có cấu trúc khá phức tạp với những dòng thời gian và không gian khác nhau. Ngoài mạch truyện chính xoay quanh nhân vật Nguyên - một chàng trai 20 tuổi - ở thực tại, còn có những sự kiện xảy ra ở hai dòng thời gian khác ở quá khứ và tương lai. Đối với những khán giả trung thành của anh em nhà Nolan thì không có vấn đề trong việc tiếp cận một tác phẩm như Yagon - những kẻ vô cảm, còn không thì đừng ngại ngần gì mà không lật lại những trang sách đã đọc trước đó khi cảm thấy não của mình có dấu hiệu bất thường!
Cũng tương tự như cấu trúc, nội dung Yagon - những kẻ vô cảm hoàn toàn không đơn giản và không dễ đoán. Nó phức tạp ngay từ khởi nguyên với việc mở ra một thế giới vừa lạ lẫm kỳ ảo vừa quen thuộc với người đọc Việt Nam. Huyền sử Tiên - Rồng, trận đánh rung chuyển lục địa và biển khơi vào thuở hồng hoang giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh là những thần thoại mà bất kỳ đứa trẻ nào đã qua bậc tiểu học đều biết. Tuy nhiên, khi những nhân vật và truyền thuyết đó bước vào trang sách của Phạm Bá Diệp, nó đã được hiện thực hóa dưới góc nhìn fantasy để làm người đọc phải sửng sốt vì trình độ hư cấu của tác giả. Đặc biệt, với ý tưởng cốt lõi từ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, câu chuyện đã tránh được những lối mòn tẻ nhạt và đơn điệu của trí tưởng tượng thuần túy.
Tác giả Phạm Bá Diệp: "Tôi vẫn cho rằng mình không thể viết bất kỳ dòng sách nào khác ngoài fantasy" Ảnh: Tiến Trình
Trong Yagon - những kẻ vô cảm, ngoài loài người (nhân tộc) còn có hai giới khác cùng tồn tại là sơn tộc và thủy tộc. Hội đồng Tam giới là cơ quan quyền lực cao nhất được lập ra để bảo đảm sự cân bằng và hòa bình giữa các chủng tộc. Lực lượng thực thi pháp luật trực thuộc Hội đồng là Tổng cục Người Quan Sát bao gồm những kẻ có năng lực đặc biệt. Bên cạnh đó, Giáo hội là tổ chức có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tam giới, vừa là điểm tựa vừa là mục tiêu kiểm soát của các thế lực nhằm khống chế giáo dân. Nhân tộc đang là những kẻ thống trị tam giới, nhưng một cuộc cách mạng đẫm máu đang âm thầm diễn ra...
Câu chuyện bắt đầu vào sinh nhật thứ 20 của Nguyên, cũng là ngày cậu công tử con nhà giàu này thụ hưởng dị năng của Người Quan Sát. Thay thế cho những bóng hồng xinh đẹp mang bánh kem và hoa đến căn hộ sang trọng của Nguyên, là một bầy quỷ hung tàn. Rồi bất ngờ một nhóm người kỳ quái cùng một con gấu được vũ trang đầy đủ xuất hiện, cứu mạng Nguyên và đẩy cậu vào một cuộc phiêu lưu tăm tối vô định.
Với nhịp điệu hành động dồn dập, các tuyến nhân vật trong Yagon - những kẻ vô cảm cũng quay cuồng trong đầu người đọc bởi sự đa dạng của chúng. Trong số này, đóng vai trò chủ đạo là những Người Quan Sát. Đừng kỳ vọng đó là những siêu anh hùng lấp lánh như trong vũ trụ của Marvel hay DC Comics, mà họ chỉ thuần túy là công cụ thực thi pháp luật. Việc khoác lên mình bộ trench coach và đeo mặt nạ không khiến họ trở thành người tốt hay kẻ xấu, mà nhân tính mới là yếu tố quyết định. Đằng sau sự vô cảm của những chiếc mặt nạ có thể là một tính cách kiên định hoặc yếu đuối, quả cảm hoặc hèn nhát, trong sáng hoặc đầy tâm cơ.
Những trận chiến một mất một còn ập vào cậu công tử bột như sét đánh, như nước vỡ bờ. Ngoài dị năng đọc được cảm xúc của người khác, Nguyên hoàn toàn không được trang bị gì về kỹ năng sử dụng vũ khí, kinh nghiệm thực chiến hay kiến thức về đối thủ. Bước ra khỏi giảng đường và căn nhà yên ấm để đối mặt với hàng loạt tình huống hung hiểm, quan sát cách ứng xử của những người xung quanh, không ít lần Nguyên rối trí khi cố gắng phân định các ranh giới giữa thiện - ác - tà, về mục tiêu và tham vọng của các phe nhóm nhằm giành quyền kiểm soát tam giới. Cậu chỉ hành động theo bản năng mà ơn trời, bẩm sinh cậu vốn là một người hào hiệp và khoan dung (cùng một chút yếu đuối trước phái đẹp). Thỉnh thoảng giữa các cuộc giết chóc, Nguyên đã hoang mang khi "trùm cuối" của bên này lẫn bên kia viện dẫn nguyên lý của Niccolo Machiavelli "cứu cánh biện minh cho phương tiện" để thực thi những kế hoạch diệt chủng của họ. Để rồi sau đó cậu vẫn có lựa chọn và hành động của riêng mình dẫn tới một kết cục mở, với cú twist trời giáng vào đoạn cuối.
Tôi thật sự biết ơn khi xen kẽ giữa các pha hành động căng cứng, tác giả đã cho chút thời gian để... thở bằng những đoạn văn đẹp đẽ về các giấc mơ lẫn lộn thực tại của nhân vật chính, về phong cảnh phiêu linh u tịch của các thế giới song song, về tình cảm trong sáng của tuổi mới lớn... Với một câu chuyện đầy chất điện ảnh về bố cục và nội dung, đó là những xử lý phù hợp để bảo đảm chất văn học của Yagon - những kẻ vô cảm. Dấu ấn của các nhân vật phụ cũng khá rõ nét và buộc người đọc phải vấn vương khi gấp trang sách cuối cùng lại. Cuối cùng, với một cây viết vẫn còn rất trẻ (Phạm Bá Diệp sinh năm 1991) lớn lên cùng với sự bùng nổ của thế giới số, những yếu tố công nghệ chắc chắn sẽ song hành với những hiện tượng siêu nhiên khiến độc giả thỉnh thoảng phải băn khoăn tự đặt câu hỏi. Chẳng hạn như, làm thế nào mà một hồn ma có thể tồn tại ở một nơi toàn vi mạch điện tử?
Chàng trai trẻ Phạm Bá Diệp cũng như nhân vật Nguyên của mình - kiên định và liều lĩnh - khi tiếp tục theo đuổi thể loại văn học kỳ ảo, đó là tin tốt với người hâm mộ fantasy. Tin xấu là Diệp có thể trả giá cho sự lựa chọn của mình, bởi cho dù Yagon - những kẻ vô cảm đã lọt vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6, cuốn sách fantasy thứ hai của anh cũng khó đoạt giải cao vì thể loại văn học này vẫn chưa được nhìn nhận một cách công bằng về đóng góp của nó trong dòng chảy văn chương hiện đại. Dù vậy nhưng khi nói về nghiệp viết lách của mình trong tương lai, Diệp vẫn khiêm tốn: "Tôi vẫn cho rằng mình không thể viết bất kỳ dòng sách nào khác ngoài fantasy". Với tư cách là một độc giả trung thành của văn học kỳ ảo, tôi thành thật cám ơn sự "không thể" này của anh, và tiếp tục chờ đợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.