Đất Bạc Liêu sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có thầy viết tuồng Yên Lang. Tự hào về điều đó, tối 3-11, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng Đài PTTH Bạc Liêu tổ chức chương trình nghệ thuật tôn vinh soạn giả Yên Lang (tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh) - người đã sáng tác nhiều tác phẩm sân khấu cải lương vang bóng, được công chúng yêu mến hơn 50 năm qua.
|
Nợ tấm màn nhung
“Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu, ta gối đầu trên đá thèm giấc mơ yêu. Đắm hồn vào mộng liêu trai. Để yêu em được trọn lòng, không ngăn cách bởi biên thùy. Sầu đêm này và ngàn đêm nữa đi. Em vẫn yêu vẫn yêu một mình anh…” - lời bài ca đối đáp giữa hai nhân vật Tần Lĩnh Sơn (cố NSƯT Minh Phụng đóng) và Hồ Bảo Xuyên (NSND Lệ Thủy đóng) trong vở Đêm lạnh chùa hoang của soạn giả Yên Lang đã từng khiến hàng triệu khán giả mộ điệu sân khấu cải lương thổn thức. Đối với khán giả trẻ hôm nay, dù được tái dựng với nhiều ê kíp khác nhau, vở diễn này vẫn làm say đắm họ bởi kịch bản sâu sắc, lời ca dễ đi vào lòng người. Soạn giả Yên Lang được người trong giới tôn bậc thầy soạn tuồng. Ông đã sáng tác hơn 30 kịch bản cải lương nổi tiếng, ngòi bút của Yên Lang đã dát vàng cho không ít nghệ sĩ qua các vai diễn trong những vở tuồng của ông.
NSND - soạn giả Viễn Châu nhận xét về đồng nghiệp: “Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu đã từng được khán giả khắp nơi ái mộ không chỉ bằng ngòi bút trữ tình sâu lắng mà còn là một bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao và đã từng tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng. Kịch bản của Yên Lang đa phần quen thuộc, gần như phản ảnh một nét văn hóa của người Sài Gòn những năm 1960-1970, đó là yêu thích chuyện tình lâm ly nhưng giàu nghị lực”.
Chào đời tại Giồng Me, Cầu Kè - Bạc Liêu năm 1940, năm nay soạn giả Yên Lang tròn 72 tuổi. Ông từng tâm sự mình là người yêu văn chương, mộng làm nhà giáo nhưng lại bị thế giới màn nhung cuốn hút, để rồi cũng như soạn giả Viễn Châu, ông khăn gói rời quê năm 1955 lên Sài Gòn lập nghiệp. “Tôi thấy cuộc đời mình mắc nợ tấm màn nhung sân khấu, nên mỗi lần đặt bút viết là được công chúng đón nhận, Ai từng thiếu nợ đều khổ, còn với tôi cứ mong mình mắc nợ hoài để còn được… trả nợ”.
|
Chất chứa ẩn tình sâu sắc
Sở trường của soạn giả Yên Lang là sáng tác kịch bản cải lương thuộc đề tài kiếm hiệp kỳ tình, thể loại được khán giả yêu thích trong những năm 1960-1970. Văn phong của ông mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều tự sự về số phận những con người luôn khao khát tìm kiếm hạnh phúc. NSND Lệ Thủy nhận xét: “Công chúng thích tuồng của soạn giả Yên Lang vì mỗi câu ca đều chất chứa những ẩn tình sâu sắc, nhờ thế mà thấm vào tim người nghe. Nghệ sĩ chúng tôi khi ca như thấy mình được sống trong vai diễn”.
Soạn giả Yên Lang còn có công đào tạo nhiều cây bút trẻ bên cạnh việc phát hiện những tài năng sân khấu. Ông đã hướng người em đến với nghề viết và tạo nên tên tuổi: soạn giả Nguyên Thảo (tác giả Kiếp nào có yêu nhau), cũng như con trai ông là Lam Tuyền (người chuyển thể vở Lá sầu riêng) hiện đang theo nghiệp của ông.
Dù tuổi đã cao, ông vẫn miệt mài sáng tác, nhất là viết những bài ca cổ ca ngợi quê hương Bạc Liêu. “Tôi vui vì mình đượn tôn vinh trên quê hương đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày tôi rời quê lập nghiệp và nay trở về trong vòng tay yêu mến của khán giả quê nhà” - soạn giả Yên Lang tâm sự . Đêm diễn sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh như: NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, Trọng Hữu, Kim Tử Long, Phượng Hằng… Các nghệ sĩ sẽ tái diễn một số trích đoạn nổi tiếng trong những kịch bản của ông được công chúng yêu thích.
Tác phẩm là sự trải nghiệm Yên Lang có trên 30 kịch bản, đa số đều được các hãng dĩa thu âm phát hành và nhiều đoàn hát đã dàn dựng, mang về doanh thu lớn như: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển, Khi rừng thu thay lá, Người đẹp Tây Thi, Bão biển, Bão cát, Manh áo quê nghèo, Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Tình bằng hữu, Tình hận trên băng hồ, Hỏa sơn thần nữ, Khi trời lạnh sương khuya, Nhất kiếm bá vương…, trong đó có một số kịch bản ông hợp soạn như: Kẻ bên trời (viết với Thiên Lý), Quán khuya sầu viễn khách (viết với Hồng Điệp), Ngựa hoang về núi, Thằng điên trên Bến Hạ (viết với Nguyên Thảo), Xin một lần yêu nhau (viết với Loan Thảo)... Ông chia sẻ: “Mỗi nhân vật trong kịch bản của tôi đều có những tâm tư, tình cảm mà bản thân tôi gửi gắm vào. Yêu ghét, giận hờn, buồn vui, chung thủy đều là cung bậc tình cảm mà sự trải nghiệm trong đời cho tôi trưởng thành hơn để viết, để chiêm nghiệm và để nhìn lại chính mình”. |
Theo THANH HIỆP \ Người Lao Động
Bình luận (0)