ĐẤT PHẬT
Đó là một ngày tháng tư âm lịch, mùa Phật đản đang dần về cuối tháng, chúng tôi ngược lối lên Yên Tử. Chặng đầu nương náu dưới bóng cây đa trăm tuổi ở Thiền viện Trúc Lâm, dường như tiếng chuông vọng đến tận cõi hồn người. Một không gian tĩnh mịch, ngọn gió từ đâu thổi luồn qua bao rặng núi phả vào lời kinh mát lành. Cây bồ đề của vị thiền sư từ Ấn Độ qua đây dạo nào trồng bên hông chùa Lân nay đã vạm vỡ trổ cành xanh non tươi tốt. Ngỡ như đất thiêng Yên Tử, nơi khởi thủy Phật giáo Việt Nam từ gần ngàn năm trước giao hòa với miền đất Ấn, nơi Thái tử Tất Đạt Đa bỏ cung vàng điện ngọc dấn thân tìm đạo tọa thiền, cho đến khi thấu được nghĩa "vô nhân ngã", trở thành Đức Phật Thích Ca vào 2.600 năm trước!
Một vùng núi non trùng điệp, hoang liêu trầm mặc như cổ tích hiện ra khi ngước mắt nhìn lên, khiến hầu như ai nấy đến đây cũng đều đi nhẹ nói khẽ. Bắt đầu 3 giờ chiều, từ chân núi Yên Tử, đoàn chúng tôi khởi hành. Hai bạn cộng tác viên duyên dáng tên là Thùy Dung và Huyền Trang, vốn là cô giáo mầm non lên đây làm việc ngày cuối tuần, cầm cờ hướng dẫn chúng tôi leo núi. Và đặc biệt, người bạn đồng hành rất am hiểu quần thể danh sơn Yên Tử là ông Lê Trọng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đã giới thiệu tường tận về giá trị lịch sử và tâm linh mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến.
Đi lên một chặng cáp treo, điểm tiếp cận ban đầu là Huệ Quang kim tháp, tấm biển đề bên cạnh giải thích là tháp của Ánh sáng trí tuệ, nơi đặt một phần xá lợi của Giác hoàng Trần Nhân Tông (đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ), chúng tôi thắp hương thành tâm kính lễ tưởng nhớ vị vua lừng lẫy từng tập hợp sức mạnh toàn dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông (1285 và 1288), vị vua từng rời ngôi báu lên chốn này tu tập, đời sau tôn xưng là Phật hoàng, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, kế thừa và phát triển nền Phật học Việt Nam từ thế kỷ 13.
Leo thêm mấy trăm bậc đá, điểm dừng chân tiếp theo là chùa Hoa Yên, dân gian gọi là chùa Cả. Một ngôi chùa mái cong vút theo lối kiến trúc thời Lý - Trần, là nơi tu hành thành đạo, truyền thừa của các Tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong tiếng kệ lời kinh phiêu diêu của chư tăng, chúng tôi chắp tay thành tâm nguyện cầu, chợt hồi tưởng đến bài học lịch sử. Những chiến công bao lần đẩy lùi quân xâm lược đem lại bình an cho muôn dân, những ánh sáng thông tuệ phát đi từ vua Trần Nhân Tông khi lui về tịnh tâm tọa thiền sau những năm tháng thao thức hiệu triệu để giữ yên bờ cõi, vượt qua giông bão chiến tranh. Tiếng vọng lịch sử ấy như hòa với tiếng chuông ngân, lan tỏa ra trăm dặm đến tận những địa danh Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp…
NON THIÊNG
Rồi lối đi ngoằn ngoèo qua những cây xích tùng cổ, hướng lên non cao. Qua ngôi chùa Một Mái xen giữa cây cối um tùm phủ lên lối đi bóng mát. Từng bậc đá bào mòn in dấu chân muôn triệu du khách đã đến đây hành hương chiêm bái. Tưởng rằng, những lối đi ấy là vô cùng vô tận khi ngước nhìn lên thăm thẳm non cao. Chúng tôi bám theo từng bậc đá, thảng hoặc lại nghe lời động viên lan tỏa để "chiến thắng chính mình" trên từng khúc quanh cho đến khi lần lên đến đỉnh. Và một khung cảnh hùng vĩ hiện ra, vạt nắng chiều muộn phủ nhuộm vùng non thiêng khi nhìn xuống. Hùng vĩ và rực rỡ. Trùng điệp và hoang liêu.
Trong chính điện của chùa Đồng, ngôi chùa trên đỉnh Yên Tử, chốn tọa thiền nghiêm cẩn, nghe làn gió mơn man lùa qua từng vách đá quyện với tiếng đọc kinh nguyện cầu viên mãn. Hình dung nơi này từ xưa, các vị chân tu đã từng bao ngày đêm hoằng dương đạo pháp, thỉnh nguyện đất trời cho quốc thái dân an.
Để rồi, khi rời đỉnh ngọn núi đi xuống, mới thấy mỗi bước leo bám để lên đến nơi này là sự cố gắng của mỗi người, bỗng liên tưởng ngược thời gian đến khung cảnh núi non âm u rậm rạp gần cả thiên niên kỷ xa xưa, càng vạn lần ngưỡng mộ, bái phục kỳ công vượt lên non thiêng Yên Tử của các vị tiền nhân chân tu thuở nào!
TỌA THIỀN HOA ĐĂNG
Buổi tối, trong ngôi điện lớn ở chân núi, nằm ở quần thể khuôn viên Khu du lịch tâm linh Legacy chuyên đón khách thập phương hành hương chiêm bái, chúng tôi cùng tọa thiền hoa đăng dưới sự hướng dẫn của nữ cư sĩ Trúc Phương. Đến sớm hơn một chút, thấy ngoài kia trong khu vườn phía sau ngôi điện, trên bãi cỏ rộng có vài người đã thắp lên những ánh nến hoa đăng xếp thành chữ địa danh Yên Tử. Trong ánh tà huy buông tịch mịch tối dần sau đỉnh núi, những ngọn đèn hoa đăng sáng dần lên giữa một vùng yên lặng. Vị nữ cư sĩ nhỏ nhẹ khuyến khích mọi người chắp tay đảnh lễ, lặng nghe từng tiếng thở đều, nghe huyết mạch lan tỏa khắp châu thân và luyện pháp để minh tường cho thân, tâm, trí.
Một liệu pháp dẫn lối đến an nhiên với mỗi người đến nơi đây. Trong quãng thời gian lưu lại ít ỏi ấy, chúng tôi để ý và mục sở thị được một điều, ấy là không ít người trẻ đến đây xếp bằng kiết già tọa thiền, rồi leo núi hành hương lên non thiêng Yên Tử, sau những ngày áp lực với cuộc mưu sinh tất bật. Họ, có lẽ cũng tìm thấy phút giây thanh tịnh hòa mình với thiên nhiên trong hương trầm sương sớm ở nơi đây.
*****
Xuống núi trở về, đọc lại sử liệu thấy học giả Trần Trọng Kim ghi lại trong Việt Nam sử lược (NXB Kim Đồng năm 2019, tái bản từ nguyên bản của NXB Tân Việt năm 1954) những dòng về vua Trần Nhân Tông như sau: "Thái tử Trần Khâm năm 1279 lên làm vua, tức là vua Nhân Tông, là một ông vua thông minh, quả quyết mà người trong nước thì từ vua quan cho chí dân sự đều một lòng cả, cho nên từ năm Giáp Thân (1284) đến năm Mậu Tý (1288) hai lần quân Mông Cổ sang đánh phá mà rồi không làm gì được. Đời vua Nhân Tông có nhiều giặc giã, song việc văn học cũng hưng thịnh lắm. Xem bài hịch của Hưng Đạo Vương, thơ của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão thì biết văn chương đời bấy giờ có khí lực mạnh mẽ lắm. Ngoài ra, có quan Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên là người khởi đầu dùng chữ Nôm làm thơ phú... Năm Quý Tỵ (1293), Nhân Tông truyền ngôi cho thái tử tên là Thuyên (tức Trần Thuyên, là vua Trần Anh Tông - NV), rồi về Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng" (trang 140, 141). Điều đặc biệt, trong sách của mình, học giả Trần Trọng Kim cũng cho biết "năm Mậu Thân (1308), Nhân Tông Thượng hoàng mất ở chùa Yên Tử sơn" (trang 173).
Để rồi khi gấp sách lại, dường như hiển hiện trước mắt hình ảnh của ngọn núi thiêng Yên Tử, nơi ấp ủ niềm tin và khát vọng của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các vị tông đồ Thiền phái Trúc Lâm lưu truyền lại cho hậu thế những tinh hoa của Phật pháp, trong tiếng rì rào của ngọn gió thổi qua rừng trúc mải miết đêm ngày!
Danh sơn Yên Tử nằm ở vùng đông bắc Việt Nam, thuộc TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách vịnh Hạ Long khoảng 50 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Nơi đây bao gồm quần thể các danh thắng di tích như Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Suối giải oan, Huệ Quang kim tháp, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Đồng... Ngoài ra, ở đây còn có hàng chục cây xích tùng rất cổ, rừng trúc miên man và giống mai vàng Yên Tử quý hiếm. Giá trị của Yên Tử là tổng hòa của 3 yếu tố cốt lõi, nổi bật: tâm linh, thiên nhiên, văn hóa - lịch sử.
Bình luận (0)