Yêu... bạo lực

27/09/2014 02:10 GMT+7

Không ít người trẻ thừa nhận đã và đang vướng phải tình cảnh yêu... bạo lực và họ chẳng biết phải giải quyết lối ra như thế nào.

 Nhiều cặp đôi yêu nhau nhưng lại đánh nhau giữa chốn đông người  - Ảnh: chụp từ clip
Nhiều cặp đôi yêu nhau nhưng lại đánh nhau giữa chốn đông người  - Ảnh: chụp từ clip

Yêu là… “thuốc giảm cân”

Thiên An, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể suốt 4 tháng yêu nhau, những tưởng yêu là vui, là hạnh phúc. Nhưng đời chẳng như mơ, chỉ vài tuần đầu là lãng mạn, còn sau đó là chuỗi ngày giận hờn, cãi vã...  “Kết quả của những ngày chịu trận là mình sụt hơn 8 kg”, An chia sẻ.

Tệ hại hơn, Lan Nh., sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, còn bị người yêu đánh đập. Không chỉ là cái tát ở phòng trọ, mà còn là những cú  đánh đá túi bụi ngoài đường. “Rất nhiều lần như thế. Đó là thời gian kinh khủng nhất của cuộc đời”, Nh. kể.

Rất nhiều trường hợp bạo lực khác với những biểu hiện khác nhau như: bị người yêu đánh, chửi bới, xúc phạm, hăm dọa tinh thần, đòi hỏi nhu cầu tình dục hay vòi vĩnh tiền bạc... 

Trên YouTube và các mạng xã hội, xuất hiện ngày càng nhiều đoạn phim ghi lại cảnh các cặp đôi  đánh nhau thậm tệ ở nơi công cộng: ngoài đường, siêu thị, công viên…

Các chuyên gia tâm lý cũng nhận định đây là thực trạng khá phổ biến. Thông qua những ca tư vấn, nhiều nữ sinh nhờ hướng dẫn cách thoát khỏi khủng hoảng tâm lý trong tình cảnh này.

“Đừng nói đến yêu, mình ngao ngán lắm rồi”, Trúc Mai, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, thở dài. Trải qua hai mối tình với… hàng ngàn lần cãi vã, bị đánh, giờ đây nữ sinh này đã chai sạn cảm xúc, không màng đến chuyện yêu đương.

Nguyên tắc “ba không”

Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN, yêu nhau mà đã sử dụng bạo lực, đó là lúc sự tôn trọng lẫn nhau đã không còn. Hành vi bạo lực ấy rất đáng lên án và cần bị loại bỏ. Hành vi này chứng tỏ sự yếu thế về lý lẽ và tình yêu chắc chắn sẽ bị rạn nứt. Việc đánh nhau giữa hai người bình thường đã khó chấp nhận huống hồ gì giữa hai người có danh nghĩa là yêu nhau.

Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cho biết kết cục của “tình yêu bạo lực” đương nhiên không có gì tốt đẹp. Nó làm tổn thương cho cả hai người về thể chất cũng như tinh thần. Mối quan hệ đó sẽ không thể kéo dài hoặc đi đến kết cục tốt đẹp. Không những thế, còn dễ làm cho người trong cuộc bị sang chấn tâm lý hay nôm na là một “vết thương lòng” để rồi họ có thể chán yêu, sợ yêu, thậm chí bị trầm cảm... Với những bạn trẻ lỡ gặp phải tình cảnh yêu bạo lực, cần được tham vấn và trị liệu tâm lý đúng cách để tránh những hệ lụy về sau.

Thế nhưng những cặp đôi thừa nhận khi yêu nhau, việc mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Vậy làm thế nào để kiểm soát và hạn chế tối đa việc yêu bạo lực? Ông An khuyên các cặp đôi nên thực hiện nguyên tắc “ba không”: Không được xưng “mày tao mi tớ” mà phải gọi bằng anh - em,  không được xúc phạm và không được dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Ông Duy cũng chia sẻ thêm, bạn trẻ nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định yêu, để không phải “nhỡ” và “lỡ”. Và đừng bao giờ cố tình đẩy mâu thuẫn lên cao trào dẫn đến sự xuất hiện các hành vi bạo lực.

“Chuyện bất hòa trong tình yêu là chuyện không thể tránh khỏi, là một gia vị không thể thiếu. Nhưng mỗi người hãy mềm mỏng một xíu, hy sinh một xíu, tỉnh táo một xíu để biến thứ gia vị này trở thành một gia vị có ích, giúp cho tình yêu mặn mà hơn, đẹp hơn và trưởng thành hơn”, ông Duy nói. 

Bình luận

 Hà Ngọc Quý “Yêu nhau đủ nhiều thì mâu thuẫn nào cũng giải quyết được. Chứ đừng vì mâu thuẫn rồi cãi vã, đánh nhau, chỉ một vài phút bốc đồng nhưng để lại vết sẹo lớn và cả đời ân hận”.

Hà Ngọc Quý
Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

“Yêu bạo lực đồng nghĩa với việc không tôn trọng lẫn nhau, và đó không xứng đáng được gọi là tình yêu”.

Ánh Nguyệt
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

 Ánh Nguyệt
 Quỳnh Trâm “Hãy là người có cách hành xử văn hóa, nhất là trong tình yêu. Hãy bình tĩnh rồi mọi chuyện sẽ ổn. Chứ làm ầm lên, chửi đánh ngoài đường thì tuyệt đối không nên”.

Quỳnh Trâm
Sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM

Xuân Phương

>> Bây giờ làm sao? - Để tránh bị bạo lực
>> Làm phim về bạo lực học đường
>> Dùng bạo lực hiếp dâm trẻ em
>> Bạo lực trong giới trẻ, do đâu?
>> Bạo lực gia đình: ai cũng bất hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.