Theo đó, Sở đề nghị UBND H.Hoài Đức chỉ đạo phòng chức năng cùng với UBND xã Kim Chung khẩn trương giám sát quá trình xây dựng và cải tạo công trình ở các khu vực liên quan di chỉ. Sở cũng yêu cầu huyện và xã gửi kết quả giám sát, kiểm tra hiện trạng về Sở trước ngày 22.7 để tổng hợp, báo cáo UBND TP.Hà Nội.
Ngoài ra, Sở cũng đang soạn văn bản để gửi UBND TP. Trong đó, Sở sẽ đề xuất các giải pháp khoa học cho di chỉ này, dựa trên kiến nghị của các nhà khoa học tại cuộc họp ngày 11.7. Đây là cuộc họp quy tụ được nhiều ý kiến của các nhà khảo cổ học, nhân học gắn bó nhiều năm với di chỉ Vườn Chuối, thậm chí đã khai quật tại đây. Các ý kiến khá tập trung vào việc cần làm đúng luật để bảo vệ di chỉ hiếm có này, trong đó có khả năng làm hồ sơ di tích cho nó.
Di chỉ Vườn Chuối, tính tới nay đã có 8 cuộc khai quật khảo cổ. PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết đây là một di chỉ hiếm có từ thời kỳ dựng nước đầu tiên cách đây hơn 3.000 năm. Di chỉ này chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn. Chính vì thế, giá trị của di chỉ càng cao hơn khi có tới hơn 90% các di chỉ khác thời Hùng Vương đã biến mất.
Bình luận (0)