Yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

16/08/2020 06:19 GMT+7

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phải kiểm điểm trách nhiệm, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những thiếu sót trong quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản và xây dựng.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ra thông báo Kết luận thanh tra (KLTT) việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 2014 - 2018. Theo đó, TTCP chỉ ra nhiều thiếu sót của chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan của tỉnh.

Vi phạm luật đất đai

Theo KLTT, trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, vi phạm luật Đất đai xảy ra tại nhiều địa phương như TP.Phan Rang-Tháp Chàm, H.Ninh Hải; hầu hết các địa phương đều cho thuê đất nông nghiệp nhưng không đấu giá theo quy định; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất công ích (H.Thuận Bắc) hay sử dụng đất công ích sản xuất nông nghiệp nhưng không ký hợp đồng thuê đất (H.Thuận Nam)… UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đồng ý về chủ trương hoặc cấp phép cho nhiều dự án (DA) phát triển kinh tế, du lịch chồng lấn vào đất rừng, quy hoạch thủy lợi hoặc khoáng sản.
Trong vài năm trở lại đây, Ninh Thuận phát triển mạnh các DA điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, TTCP cho rằng Ninh Thuận lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh còn chậm, chưa đồng bộ, khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng điện mặt trời trên địa bàn. Trình tự, thủ tục một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất còn thiếu sót, khuyết điểm như diện tích sử dụng đất của DA không phù hợp với diện tích đất trong quy hoạch sử dụng; một số DA điện mặt trời sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của DA thủy lợi, nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; không thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định; việc giao đất, cho thuê đất một số DA không phù hợp với tiến độ thực hiện; có DA cho thuê đất không đúng theo nội dung quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; điều chỉnh thời hạn cho thuê đất không đúng quy định của pháp luật, không ký điều chỉnh hợp đồng thuê đất khi điều chỉnh quyết định cho thuê đất; một số DA cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định tại khoản 1 điều 52 luật Đất đai 2013.
Theo TTCP, việc UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung quy hoạch điện lực và quyết định chủ trương đầu tư một số DA điện mặt trời không đồng bộ với khả năng truyền tải điện, dẫn đến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo giảm phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư. Tại Ninh Thuận, TTCP còn phát hiện 7 DA điện gió đã được cấp quyết định đầu tư nhưng chưa được Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối…

Nhiều lãnh đạo chủ chốt bị "điểm danh" trách nhiệm

Các sai phạm này, TTCP chỉ rõ trách nhiệm thuộc về chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở KH-ĐT, Tài chính, NN-PTNT. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; giao Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền phân cấp. Đồng thời, phải khắc phục, chấn chỉnh ngay những thiếu sót nêu trong KLTT.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận phải rà soát, có phương án dừng, giãn tiến độ đối với những dự án điện mặt trời đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa xây dựng để hạn chế tối đa việc các nhà máy đã hoàn thành phát điện thương mại nhưng phải giảm công suất phát điện. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng phải lấy ý kiến các chủ đầu tư công trình thủy lợi đang bị ảnh hưởng bởi DA điện mặt trời để xử lý theo phương án không ảnh hưởng đến thủy lợi; xử lý theo quy định đối với các DA điện gió chưa được Bộ Công thương thẩm định.
Những kiến nghị của TTCP đã được Thủ tướng đồng ý và giao Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công thương phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện.

Thu hồi về ngân sách hơn 188 tỉ đồng

Ngoài việc xem xét trách nhiệm, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi về ngân sách nhà nước 188 tỉ đồng, trong đó có 13,4 tỉ đồng chi sai quy định tại DA hồ chứa nước sông Than, DA Vườn quốc gia Núi Chúa, DA đập hạ lưu sông Dinh và DA mở rộng cảng cá Mỹ Tân; 3,5 tỉ đồng quyết toán sai tại một số DA xây dựng; 138 tỉ đồng do các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.