Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay, lũ trên sông Bưởi, sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa) đang lên, mực nước lúc 13 giờ ngày 23.9 trên sông Bưởi tại Kim Tân là 11,73 m (dưới báo động 3 (BĐ3) 0,27 m), sông Mã tại Cẩm Thủy là 20,16 m (dưới BĐ3 0,04 m), tại Lý Nhân là 11,01 m (trên BĐ2 0,01 m), sông Chu tại Bái Thượng là 17,96 m (dưới BĐ3 0,04 m).
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đang thi công dở dang.
Cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Nín thở sống dưới chân quả đồi Đá Bàn đang nứt toác
Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Thanh Hóa tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6.1.2009 của Bộ NN-PTNT về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ.
Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước lũ trên các triền sông và tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ NN-PTNT (qua Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai) để phối hợp chỉ đạo.
Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, do mưa lũ sau bão số 3, đến nay đã xảy ra 768 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố (tỉnh Thanh Hóa có 1 sự cố). Trong đó có 417 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp 3 trở lên; 351 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp 3.
Trong chiều tối và đêm 23.9, ở Thanh Hóa, bắc Nghệ An và khu vực từ Quảng Trị - Quảng Nam có mưa rào và giông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến từ 10 - 30 mm, có nơi trên 50 mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Bình luận (0)