Yêu cầu xử lý nghiêm vụ rừng phòng hộ ở Cà Mau bị chặt phá

14/01/2020 11:13 GMT+7

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm và tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan vụ rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng ở huyện Năm Căn.

Ngày 13.1, theo nguồn tin của phóng viên Thanh Niên, UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng sau khi Báo Thanh Niên có bài phản ánh Rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng (thuộc xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn).

Củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm vụ rừng phòng hộ bị chặt phá

Sau khi Báo Thanh Niên có bài phản ánh, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PT-NT) tỉnh này vào cuộc xác minh.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT sau khi kiểm tra tuyến rừng phòng hộ ven biển mà Thanh Niên phản ánh, từ năm 2017 đến giữa tháng 11.2019, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 đã xảy ra việc chặt phá cây rừng trái phép. Cụ thể tại thửa 54A, khoảnh 51, tiểu khu 141, số lượng cây rừng bị chặt trái phép là 119 cây đước trên diện tích 3.870 m2, lâm sản thiệt hại khoảng 4,9 m3. Trong đó, từ năm 2017 đến đầu năm 2019 là 62 cây/2,8 m3 và vào giữa tháng 11.2019 là 57 cây/2,1 m3.

Một khu vực rừng bị chặt gần như trắng ở thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1

Ảnh: Gia Bách

Từ đó, UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, UBND huyện Năm Căn và các đơn vị liên quan củng cố, hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2 năm xảy ra 118 vụ chặt phá cây rừng

Cũng theo báo cáo của Sở NN-PTNT, qua kiểm tra, rà soát trên toàn tuyến rừng phòng hộ ven biển, từ năm 2018 đến 2019 đã xảy ra 118 vụ vi phạm chặt phá cây rừng nhưng quy mô nhỏ lẻ. 

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT, các sở ngành, cơ quan đơn vị và các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật...Yêu cầu các chủ rừng, đặc biệt các đơn vị quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện có rừng tăng cường phối hợp với cá chủ rừng, để chủ động các biện pháp nghiệp vụ, nắm chặt địa bàn, rà soát hồ sơ, sàng lọc đối tượng, kịp thời đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi chặt phá cây rừng trái phép, nhất là các tuyến rừng phòng hộ ven biển.

Như Thanh Niên thông tin, rừng tại tiểu khu 136, BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1, bị chặt phá nghiêm trọng, từng đám đước chỉ còn trơ lại gốc, dấu chặt mới xen lẫn với dấu cũ và có cả những cây bị chặt hạ nhưng lâm tặc chưa kịp lấy đi. Nhiều cây vừa bị chặt cách đây không lâu, nhánh và ngọn vẫn còn xanh, nằm la liệt trên mặt đất. 

Theo người dân, do đước trồng ở khu vực này từ 15 - 20 năm tuổi nên bị lâm tặc chặt trắng, còn những khu vực rừng nhiều tầng tuổi thì lâm tặc chặt kiểu đốn tỉa.

Sau khi được phóng viên Báo Thanh Niên cho xem hình ảnh ghi tại tiểu khu 136, lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1 tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng cán bộ của Ban cũng mới đi kiểm tra về báo không có vụ chặt phá rừng nào. Hơn nữa, những hình ảnh do phóng viên cung cấp ghi cảnh rừng bị tàn phá nhiều quá nên ông nghi ngờ không phải chụp ở lâm phần do đơn vị ông quản lý.

Tuy nhiên, sau khi cùng phóng viên Báo Thanh Niên đến hiện trường, ông Lâm Ngọc Đồi (Đội trưởng Đội tuần tra quản lý rừng, thuộc BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1) thừa nhận nơi rừng bị chặt phá là tiểu khu 136, thuộc BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1. Rồi ông Đồi đi một vòng, sau đó quay trở lại cho biết “cụm” cây có dấu mới bị chặt số lượng khoảng 70 - 80 cây. Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, chỉ mới cách nhau 2 ngày nhưng diện tích cây rừng bị chặt đã rộng ra nhiều.

Nói về việc rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 bị chặt phá, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, thừa nhận việc chặt phá cây rừng có từ nhiều năm trước. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.