Xe

Yếu thế vẫn không buông bỏ

10/05/2024 10:28 GMT+7

Chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Nepal và Ấn Độ lại trở nên thời sự sau khi chính phủ Nepal phát hành tờ tiền mới in bản đồ bao gồm cả vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước.

Cuộc tranh chấp này vừa là chuyện pháp luật quốc gia và pháp lý quốc tế vừa là chuyện địa chính trị nhạy cảm ở khu vực.

Vùng lãnh thổ tranh chấp này rộng 335 km2. Năm 2019, Ấn Độ công bố bản đồ địa lý chính trị và hành chính bao hàm vùng lãnh thổ trên. Nepal cho rằng vùng ấy đều thuộc Nepal, viện dẫn Hiệp ước Sugauli ký kết giữa Nepal và thực dân Anh năm 1816 sau cuộc chiến tranh giữa hai bên. Trong thập niên 1960, Ấn Độ tiến hành quản lý và kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp này. Chúng tiếp giáp Trung Quốc, vì thế hiện tại kẹp giữa Nepal, Ấn Độ và Trung Quốc.

Cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này đẩy cả ba nước vào tình thế khó xử. Nepal yếu thế hơn nhiều so với Ấn Độ nhưng suốt nhiều thập niên qua vẫn không buông bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ này vì nhu cầu đối nội và vì có thể tận lợi được từ việc cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều có nhu cầu thiết thực và lợi ích chiến lược lâu dài về tranh thủ và lôi kéo Nepal. Nepal và Ấn Độ duy trì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ chứ không vì việc này mà gia tăng căng thẳng và bất hòa do Nepal chưa thể sớm thay đổi thực trạng, cần vốn đầu tư của Ấn Độ; còn Ấn Độ phải tránh đẩy Nepal về phía Trung Quốc.

Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều tăng cường đầu tư trực tiếp vào Nepal và thúc đẩy trao đổi thương mại với Nepal để ràng buộc nước vào họ và không nghiêng hẳn về một bên. Trung Quốc không can dự vì thừa biết cuộc tranh chấp càng dai dẳng thì Nepal càng cần Trung Quốc và luôn có con chủ bài trong quan hệ với Ấn Độ. Duy trì cân bằng là việc khó đối với cả ba. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.