Mười lăm năm trước, đứa con đầu lòng của vợ chồng tôi ra đời ở quê, bà nội cháu thuộc thế hệ nhuộm răng ăn trầu nên giữ nhiều tập quán cũ. Tôi vừa đi làm vừa giặt giũ cho vợ con. Bà nội cháu dặn giặt đồ cho trẻ không được vắt, vì trẻ sẽ hay khóc và vặn mình. Tôi đã làm theo và vui vẻ giặt đồ bằng tay vào mỗi sáng sớm trước khi đi làm như chăm sóc vợ con bằng tất cả yêu thương.
Khi chúng tôi sinh cháu thứ hai, bà ngoại đưa về TP.Buôn Ma Thuột để chăm sóc. Nhà khá đủ tiện nghi nhưng bà vẫn không dùng máy giặt. Không phải sợ cháu ngoại ngủ sẽ vặn mình, quấy khóc vì vắt đồ khi giặt máy mà bà muốn tự tay chăm sóc con gái và cháu ngoại. Khi trời nóng bà ngồi bên giường phe phẩy chiếc quạt giấy, lúc trở lạnh bà kéo tấm chăn cho cháu ấm. Những điều hòa, quạt điện, máy giặt không thay thế được bàn tay yêu thương của mẹ, của bà.
Rồi tôi cùng gia đình chuyển ra thành phố sống. Trong những lần về quê nội các cháu, vợ tôi khi thì xin được cái quạt mo cau, khi thì cái quạt nan, quạt giấy. Những đêm trời nóng, tôi nghe tiếng quạt phe phẩy của vợ đem lại mát lành, trong trẻo cho con. Rất hiếm khi thấy vợ dùng quạt điện, ban đầu tôi nghĩ do vợ tiết kiệm điện, nhưng có lần nghe vợ nói muốn tự tay chăm sóc con thì tôi hiểu đó là yêu thương không đong đếm được của bất cứ người mẹ nào cũng muốn dành cho "núm ruột mềm". Đường ngoài kia xe cộ ầm ào mà lạnh lùng vô hồn, trong ngôi nhà nhỏ của tôi có tiếng quạt nan rất nhẹ mà ấm áp thương yêu. Tiếng quạt đó đôi khi làm tôi nhớ mẹ tôi ngày xưa cũng vậy, cái quạt nan mềm đưa gió từ bàn tay mẹ mát rượi yêu thương tình mẫu tử.
Nhà tôi mua máy giặt, chủ yếu là để làm sạch chăn màn. Quần áo trong nhà, vợ tôi tranh thủ giặt bằng tay vào mỗi sáng sớm trước khi đi làm. Vợ tôi thường nói làm vậy là tiết kiệm điện và giữ vải lâu hơn, nhưng cha con tôi cảm nhận được sự chăm sóc và yêu thương ngọt ngào từ đôi bàn tay ấy.
Trong ngôi nhà nhỏ nơi góc bếp nấu bằng củi hoặc mùn cưa xin từ xưởng mộc gần đó, cuối tuần nào gia đình tôi cũng nấu món ăn mang vị quê hương như mì Quảng, cháo cá lóc… từ cái bếp củi mộc mạc. Ngày nghỉ quây quần những yêu thương trong căn nhà nhỏ, tránh xa náo nhiệt ồn ào dần dần được cả gia đình tôi chờ đợi. Đến nay đã thành lệ, ngày cuối tuần, góc bếp nhỏ thành nơi chốn tìm về với yêu thương gia đình bằng những gì bình dị nhất. Lớn lên ở thành phố, hai con tôi lại thích trồng và chăm sóc cây xanh. Không cần giống cây độc lạ, đắt tiền, cứ cây xanh là mát, quan trọng nhất là mình thích và lọc không khí tốt. Trước sân từ hoa lan, hoa giấy đến cẩm tú cầu, tìm được cây nào trồng cây ấy. Trong nhà có cây trầu bà, lọc không khí tốt và rất dễ sống, được trồng trong mỗi phòng tạo sự mát lành.
Các con dần trưởng thành, điều tôi vui nhất là bọn nhỏ cảm nhận được yêu thương của ông bà, cha mẹ từ những điều bình dị giữa cuộc sống náo nhiệt hiện nay. Hình như cách sống đơn giản mà ấm áp thương yêu đã đi vào lối sống của con tôi. Những chậu cây trầu bà, quạt nan nhiều lần thay thế quạt điện, máy điều hòa, những cuối tuần cả nhà cùng vào bếp thay cho bếp ga, nồi cơm điện được nghỉ và tiếp nối việc giặt đồ bằng tay thay mẹ chăm sóc gia đình, mà không bằng máy giặt. Điện sáng nơi không người là thừa, khi không cần thì tắt điện đã thành quen. Vì vậy, gia đình bốn người mỗi tháng không quá ba trăm ngàn tiền phải trả cho nhà đèn.
Và niềm vui hằng ngày của cả gia đình tôi khi về nhà là mọi thành viên đều cảm nhận yêu thương từ những điều bình dị khi tiết kiệm điện và cuộc sống dân dã đã thành thói quen.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên và Tổng công ty điện lực TP.HCM tổ chức, có tổng giải thưởng 99 triệu đồng và quà tặng. Xem chi tiết thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)