Yêu thương là một giá trị vĩnh hằng

28/01/2022 06:35 GMT+7

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy (ảnh), nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, trong bình thường mới việc đón tết sẽ đa dạng và khác trước. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là tết yêu thương.

Ông có hai ngôi nhà, một ở trên phố giữa trung tâm Hà Nội, một ở làng nghề ảnh Lai Xá quê mình. Năm nay, ông sẽ chọn đón giao thừa ở nơi nào và vì sao?

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: Bản thân tôi và ai cũng thế thôi, đều có quê và có một nơi sinh sống lâu dài. Quê tôi rất gần, cách Hà Nội có 15 cây số. Nhưng nói chung tết nào chúng tôi cũng đón tết ở nơi mình sinh sống. Bởi vì hoàn cảnh của tôi là đã sống ở Hà Nội từ rất lâu, anh em họ hàng, con cái cũng sống ở Hà Nội. Điều đặc biệt linh thiêng với chúng tôi là bàn thờ gia tiên được đặt ngay ở nhà tôi. Chúng tôi cùng thờ bố mẹ ông bà, cho nên bao giờ con cái, anh em cũng đều đến để thắp hương tưởng nhớ ông bà và cha mẹ.

Chúng tôi cũng có một phong tục từ lâu rồi, thú vị và đầm ấm. Đó là vào sáng mùng 1 tết, tất cả anh chị em trong gia đình, con cái đều tập hợp lại trước bàn thờ gia tiên. Chúng tôi nói với nhau là để báo cáo với bố mẹ ông bà những việc làm của mỗi người. Từ người lớn đến trẻ con trong cả một năm đã làm được cái gì. Những gì thành công, những gì thích thú, rồi những điều gì còn chưa hài lòng và muốn năm mới làm tốt hơn thì chúng tôi đều cố gắng diễn đạt trước bàn thờ và trước cả một cộng đồng của gia đình hơn 20 người. Việc này diễn ra đều đặn hằng năm. Cứ tết là mọi người đều nhớ và cứ khoảng 10 giờ 30 là mọi người sẽ họp lại với nhau ở nhà tôi, rất vui vẻ đón tết cùng nhau.

Lý thú là việc này lại rất hấp dẫn với trẻ em đang trong tuổi đi học. Chúng rất hồ hởi chuẩn bị tất cả những thành tích của mình để báo cáo kỹ lưỡng. Báo cáo xong thì các cháu sẽ đánh đàn rồi hát để thể hiện tấm lòng đối với bố mẹ, cũng như đối với ông bà.

Một cái rất hay là sau cuộc gặp đó, các gia đình lại chia nhau đi đến các gia đình thân nhất của mình, những bạn bè… để chúc tết tiếp. Ngay sau buổi gặp gỡ gia đình như thế cũng có những gia đình nhỏ lập tức đi du lịch.

Cha của ông là một nhà dân tộc học nổi tiếng. GS Nguyễn Văn Huyên cũng viết những cuốn sách về tập quán, về việc người Việt ăn tết. Những cái tết đó so với bây giờ, ông thấy các phong tục tập quán còn gì, mất gì?

Ngay khi GS Nguyễn Văn Huyên viết về tết năm 1942, cụ cũng đã miêu tả cho thấy cái tết năm đó đã có những cái khác rất nhiều so với trước đây rồi. So với tết năm 1942 đó, tết của chúng ta cũng thay đổi. Chúng ta thấy nhiều phong tục khác đi hoặc không còn nữa, như việc mọi gia đình cùng dựng cây nêu hay là các hình vẽ bằng vôi để đuổi trừ tà ma…

Có rất nhiều thay đổi, nhưng có những giá trị vĩnh hằng thì không thay đổi. Ví dụ như chúng ta thấy rất rõ trong tâm thức của người Việt hiện nay, cái tết bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo là không thay đổi. Vai trò của ông Công ông Táo với chúng ta vô cùng quan trọng nên mặc dù cách cúng ông Công ông Táo có thể thay đổi nhưng thông điệp vẫn vậy. Nhiều sinh hoạt vào ngày mùng 1 có thể thay đổi nhưng giá trị cơ bản của ngày tết thì không thay đổi. Đó là tết yêu thương, tết gia đình, tết uống nước nhớ nguồn, tết sum vầy, tết cộng đồng…

Cho nên tết của chúng ta mang một ý nghĩa rất quan trọng, củng cố các mối quan hệ gia đình trong một năm. Các thành viên đều cố gắng trở về, và khi trở về như thế họ chia sẻ tất cả với nhau. Mối quan hệ đó chính là ý nghĩa yêu thương của những người trong gia đình. Điều này cũng làm nên một giá trị vĩnh cửu nữa của tết là làm tươi mới lại các mối quan hệ xã hội. Theo ngôn ngữ nhân học bây giờ, đó là làm tươi mới lại các vốn xã hội.

Tết còn có ý nghĩa củng cố các mối quan hệ gia đình trong một năm

Lê Bích

Năm tới, chúng ta đã biết rõ là sẽ không tổ chức lễ hội, tại Hà Nội một loạt chương trình nghệ thuật biểu diễn cũng dừng. Một cái tết không hội hè, thiếu văn nghệ. Điều gì có thể bù vào để tết tròn đầy văn hóa và yêu thương, thưa ông?

Tết năm nay, chúng ta không có nhiều hoạt cộng đồng, không có bắn pháo hoa, không có lễ hội, để chúng ta đảm bảo an toàn cho xã hội và cái đó là quan trọng nhất. Tuy nhiên, những giá trị cơ bản của tết thì vẫn còn đấy, nó vẫn được mọi người tôn trọng.

Chúng ta vẫn cứ quen với lễ hội là phải to, phải hoành tráng, năm nay những lễ hội đó sẽ không có. Nhưng ở thôn quê người ta không thể không có những hoạt động để cúng các vị thành hoàng. Chắc chắn những cái đó sẽ vẫn tồn tại. Các bà các chị vẫn cứ lên chùa, có ai ngăn cản điều đó được đâu. Ở vùng núi, ở các làng bản của người Tày và người Nùng, những lễ ném còn vẫn diễn ra.

Chúng ta cũng có định kiến là lễ hội thì phải đông đúc, thì tết này là dịp chúng ta có thể trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa ở vùng nông thôn, ở các vùng dân tộc thiểu số. Chúng ta sẽ thấy xã hội có rất nhiều con đường để có một hành trình tết đa dạng mà vẫn đạt được tết yêu thương.

Đây cũng là dịp chúng ta thấy xã hội của chúng ta có những ứng biến rất nhanh, rất tuyệt vời trong bình thường mới.

Vui tết nhẹ nhàng, không lo mất truyền thống

NVCC

Câu hỏi đặt ra là nếu tất cả mọi người đều muốn tiện dụng và cầm tiền đi đặt đồ cúng, thuê người nấu cỗ tết thì truyền thống có bị khuyết đi một góc không? Ý là sẽ khuyết đi cái góc của những bận rộn, lo toan, nấu xào, nêm nếm, dọn dẹp... những ngày tết đến.

Tụi teen hay gọi tết là ngày hội dọn nhà toàn dân. Dù dân đi chơi tết nhiều hơn thì chuyện cả nhà lao vào đi chợ, dọn dẹp, nấu nướng, cúng kiếng vẫn là chủ đạo. Ti vi, đài báo thường đưa tin về thú chơi ngày tết. Nhưng ai nấy đều âm thầm hiểu với nhau thú chơi thường dành cho cánh đàn ông, thêm đôi phần cho trẻ nhỏ. Chúng đòi hỏi các chị các mẹ các bà nai lưng ra chuẩn bị.

Tóm lại là tết đến rồi. Hãy mang sự nhẹ nhàng về cho cha mẹ. Đừng dọa rằng truyền thống sẽ mất đi nếu mẹ ngừng nấu cỗ đủ 3 ngày tết, cha ngừng gói bánh còng lưng hoặc mọi thứ phải tự tay làm hết mới đúng theo lệ cũ!

Ơ kìa, vui tết đi nào, theo cách nhẹ nhàng nhất với điều kiện của mỗi chúng ta. Thế mới là tết chứ!

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Tết Hà Nội xưa hấp dẫn tôi

NVCC

Tôi đã nhiều năm chụp tết ở ngôi nhà di sản 87 Mã Mây trên phố cổ Hà Nội, ngôi nhà kiểu truyền thống tiêu biểu của một gia đình thương gia. Mỗi năm ở đây lại có một chủ đề tết riêng. Có năm Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức hoạt động về thú chơi hoa thủy tiên, năm tái hiện lại mâm cỗ xưa, có năm lại quảng bá hình ảnh áo dài ngũ thân. Họ cũng tổ chức chiếu chèo, gói bánh chưng… Rất nhiều thứ để có thể hình dung về ngày tết truyền thống xưa.

Có những chủ đề mà không đến đấy xem bạn sẽ vô cùng khó gặp, ví dụ chủ đề về hoa thủy tiên. Hoa thủy tiên bây giờ đã trở nên quen thuộc, ra phố Hoàng Hoa Thám thì có thể thấy rất nhiều hoa thủy tiên bán sẵn. Nhưng cách người nghệ nhân tỉa hoa thì không phải ai cũng biết. Phải làm sao để gọt, uốn lá, để hoa nở đúng giao thừa thì rất khó. Tại phố cổ người ta mời những nghệ nhân như thế đến để hướng dẫn gọt hoa, cung cấp dụng cụ tỉa hoa… Hoặc phải đến đấy để hiểu về mâm cỗ xưa. Cỗ ở đây do nghệ nhân Ánh Tuyết làm. Mâm cỗ được bày lên không gian đẹp - một bàn thờ theo lối xưa để có thể giúp hình dung về đời sống của người Hà Nội trước đây. Món chè kho với hạt sen giờ rất hiếm gặp. Rồi món ăn được định lượng đủ sao cho mỗi người có thể ăn tất cả các món, các món cũng tinh tế. Mình có thể thấy bộ bát chiết yêu bày trên mâm đồng…

Nhiếp ảnh gia Lê Bích

Chia sẻ văn hóa Việt, văn hóa Dao

NVCC

Năm nay là năm thứ hai nhóm Người Dao VN gắn kết vì bản sắc lại có người đón tết ở Hà Nội. Chúng tôi lại tổ chức chương trình Hoa chuối rừng xuống phố, Tết ấm lên bản Dao (bán hoa chuối để ủng hộ quỹ giúp sinh viên người Dao học ở Hà Nội - NV). Năm nay cơ bản các bạn sinh viên người Dao đều ở lại Hà Nội.

Ở lại Hà Nội không về tết, các bạn bước ra cánh cửa cuộc đời. Không ở gần bố mẹ ngày tết nữa, đó là cơ hội để các bạn dạn dĩ với xã hội và trưởng thành. Các bạn thu được tiền để trang trải việc học, nhưng cái được lại không chỉ ở tiền.

Tôi cũng mua một căn hộ 2 phòng ngủ rộng 55 m2 cho các bạn sử dụng. Nó trở thành một ngôi nhà Dao. Không phải chỉ các bạn sinh viên ở mà còn là trạm dừng nghỉ đón tiếp người Dao nghèo khổ. Kể cả người Dao không nghèo khổ mà về Hà Nội cần tư vấn, chữa bệnh không có chỗ ở thì hoàn toàn có thể về đó. Sinh viên người Dao và người Dao ở với nhau. Sinh viên có thể đưa đón hướng dẫn mọi người đi lại trong thành phố. Và ở đây, chúng tôi học cách cho và nhận, học cách chia sẻ. Đó là thứ kỹ năng mềm mà người nghèo cần khắc phục nhiều.

TS Bàn Tuấn Năng, người Dao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.