Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc để "ai thiếu đến nhận, ai thừa thì cho". Không chỉ có quần áo mà còn có các đồ dùng khác như giày dép, chăn màn, sách vở, ba lô, cặp sách… cũng được gom lại để giúp đỡ những người còn khó khăn, thiếu thốn.
Chủ nhân của chiếc tủ quần áo từ thiện là chị Quán Thị Mỹ Hương, sinh năm 1985, trong một gia đình gốc Hà Nội. Là đứa con gái duy nhất nên chị được cha mẹ chăm chút và giáo dục cẩn thận chu đáo ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là về tình yêu thương chia sẻ giúp đỡ mọi người.
Đỗ Đại học Y Hà Nội với số điểm cao và giành được học bổng tài trợ của Mỹ về chuyên ngành huyết học, sau khi tốt nghiệp, chị được tuyển vào làm việc tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đó cũng là điều chị mong muốn để có thể giúp được nhiều cho y học nước nhà. Trong thời gian làm việc ở tổ chức này, chị đã trở thành "cầu nối" và xin được nhiều tài trợ cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… về các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Sau khi kết hôn (với người chồng mang quốc tịch Mỹ), cả gia đình chị sinh sống tại căn hộ chung cư thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Từ mong muốn được chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn mà hằng ngày mình quan sát, chứng kiến, từ năm 2017, chị đã có ý tưởng đặt một tủ quần áo từ thiện ngay trước cửa Trung tâm tiếng Anh Wordplay, nơi đông người qua lại để giúp đỡ những người còn thiếu thốn. Ý định của chị được ba mẹ ủng hộ và chung tay thực hiện.
Lúc đầu, chị đi mua một chiếc tủ vải khung sắt và dán hàng chữ màu tím nổi bật ở hai bên cánh nền trắng: "Ai thiếu đến nhận, ai thừa thì cho". Ban đầu, chị tập hợp toàn bộ quần áo và đồ dùng của trẻ con, người lớn trong nhà ít hoặc không có nhu cầu sử dụng, đem giặt lại cho sạch sẽ rồi là lượt phẳng phiu, gấp nếp gọn gàng xếp vào các ngăn tủ để ai cần thì đến lấy. Chị còn dạy các con của mình ngay từ nhỏ đã biết quan tâm chia sẻ với người khác bằng những hành động, việc làm cụ thể. Noi gương ông bà, bố mẹ, những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Mĩ tuy còn nhỏ xíu cũng đã biết nhường những quần áo của mình cùng với giày dép, sách vở, bút thước, đồ chơi… gửi vào tủ để cho người khác đến lấy.
Sau đó, chị đã thông tin trên trang Facebook của mình và được nhiều người trong khu dân cư, bạn bè gần xa mang đến ủng hộ ngày một nhiều. Các ngăn đều được xếp đầy ăm ắp, với nhiều loại quần áo đủ các kích cỡ (nhiều cái còn mới nguyên) dành cho mọi lứa tuổi, bên cạnh các đồ dùng thiết yếu khác như chăn màn, giày dép, nón mũ, sách giáo khoa, vở, ba lô… Chiếc tủ trở nên nhỏ bé, chật chội. Chị và người bố của mình đã đi đặt một chiếc tủ mới bằng nhôm to, rộng và và chắc chắn như hiện nay. Và, nơi đây đã trở thành địa điểm quen thuộc được nhiều người biết đến. Nhờ có nó mà biết bao người còn nghèo đã tìm cho mình được những bộ quần áo và món đồ dùng ưng ý, phù hợp, lại không phải bỏ tiền ra mua sắm. Thật đúng là "Cơm đến với người đói". Lúc thiếu thốn, người ta mới càng trân quý.
Đến nay đã bước sang năm thứ 8, chiếc tủ từ thiện trở thành điểm kết nối yêu thương giữa người cho và người nhận. Bản thân tôi hằng ngày nhiều lần đi qua đây đã chứng kiến những nghĩa cử của không ít người.
Người cho lặng lẽ mang đồ đến, lần lượt xếp vào từng ngăn, thậm chí còn gấp lại những quần áo mà người khác vừa bới tìm lung tung, phân ra từng loại để dễ lựa chọn. Từng cử chỉ hành động dù nhỏ cũng đều thể hiện sự nâng niu, tôn trọng người nhận. Không ồn ào khoa trương mà chỉ lặng lẽ xếp đặt gọn gàng, vuốt ve cẩn thận… rồi rời đi; nét mặt dường như rạng ngời niềm vui vì đã giúp được ai đó những thứ họ cần.
Và người nhận cũng cảm thấy ấm lòng khi tìm được những quần áo phù hợp hoặc đồ dùng cần thiết. Nhìn gương mặt hớn hở của chị lao công khoe rằng vừa tìm được chiếc áo mưa, bộ quần áo còn rất tốt, cả chiếc ô, cặp sách cho con… mà tôi thấy vui lây.
Chiếc tủ cứ hết lại đầy như niêu cơm thần kỳ của Thạch Sanh bởi những tấm lòng nhân ái. Có hôm tủ đầy chặt, không còn chỗ để, bác Quán Văn Vượt, bố của chị Hương phải san bớt ra từng túi ni lông cất vào trong nhà, chờ người đến lấy cho vơi bớt mới mang ra tiếp. Cảm động hơn, còn có cả người nước ngoài cũng nhiều lần mang đồ đến ủng hộ.
Thời gian gần đây, chị Hương bận nhiều công việc, bay đi bay về giữa hai Mỹ và Việt Nam nhưng vẫn thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân của mình về tủ quần áo thiện nguyện để nhiều người biết đến. Bố chị cũng dành thời gian những lúc rảnh rỗi để xếp đặt lại các đồ trong tủ cho gọn gàng, đẹp mắt. Người đàn ông đã ngoài lục tuần có khuôn mặt hồng hào phúc hậu ngày ngày "chăm chút" cho chiếc tủ từ thiện vì đã góp một phần nhỏ bé để giúp cho những mảnh đời vơi bớt khó khăn.
Chiếc tủ nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, ấm áp tình người, đong đầy yêu thương. Những việc làm xuất phát từ trái tim nhân ái của cả gia đình chị Hương và rất nhiều tấm lòng hảo tâm mỗi ngày đã làm đẹp thêm truyền thống "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" của nhân dân ta từ bao đời nay.
Bình luận (0)