Yếu tố Trung Quốc trong tình hình chiến sự Ukraine

22/02/2023 05:34 GMT+7

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Nghị đến Nga bàn về kế hoạch hòa bình Ukraine, trong khi Bắc Kinh và Washington tranh cãi việc hỗ trợ các bên.

Yếu tố Trung Quốc trong tình hình chiến sự Ukraine - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine diễn tập với UAV Mavic của DJI ở Kyiv

Ảnh chụp màn hình The New York Times

Báo Kommersant của Nga ngày 20.2 đưa tin Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã đến Moscow, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu dự kiến kết thúc vào ngày 22.2.

Theo đó, mục đích chính của chuyến thăm Nga là nhằm tăng cường vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột Ukraine.

Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) trước đó, ông Vương Nghị thông báo rằng Trung Quốc có một kế hoạch hòa bình sẽ được đưa ra vào đúng ngày chiến dịch quân sự của Nga tròn một năm (24.2).

Tổng thống Ukraine: Sẽ có chiến tranh thế giới nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga

Tranh cãi về hỗ trợ

Chuyến đi diễn ra sau khi ông Vương Nghị có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Hội nghị An ninh Munich hôm 18.2. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ vũ khí cho Nga để sử dụng tại Ukraine, nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong mối quan hệ.

Đài BBC ngày 20.2 đưa tin Ngoại trưởng Blinken cho biết những công ty Trung Quốc đã cung cấp “sự hỗ trợ phi sát thương” cho Nga. Trả lời phỏng vấn với Đài CBS News, Ngoại trưởng Mỹ kể rằng tại cuộc gặp, ông đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc sẽ cung cấp “hỗ trợ mang tính sát thương” cho Nga.

“Đến nay, chúng tôi đã thấy các công ty Trung Quốc cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Mối lo ngại của chúng tôi hiện nay dựa trên thông tin có được là họ đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương”, ông nói.

Yếu tố Trung Quốc trong tình hình chiến sự Ukraine - Ảnh 3.

Ông Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm 18.2

AFP

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 20.2, khi được yêu cầu bình luận về lời cảnh báo của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Mỹ không có quyền yêu cầu Trung Quốc. “Chúng tôi không chấp nhận sức ép hay sự cưỡng ép", ông Uông nói, theo AFP.

Nhà ngoại giao này cho rằng “chính Mỹ, không phải Trung Quốc” đang không ngừng chuyển vũ khí ra chiến trường. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ nghiêm túc xem xét lại hành động của mình và làm nhiều hơn để giảm nhẹ tình hình, thúc đẩy hòa bình và đối thoại, và ngừng đổ lỗi và lan truyền thông tin sai”, ông Uông nói.

Ông Vương Nghị đến Nga bàn chuyện giải quyết xung đột Ukraine

Thiết bị Trung Quốc

Liên quan vấn đề thiết bị Trung Quốc, trong gần 1 năm chiến dịch của Nga tại Ukraine, những máy bay không người lái (UAV) nhỏ gọn do Trung Quốc sản xuất được cả 2 bên sử dụng hiệu quả, dù hãng sản xuất cho biết đó chỉ là sản phẩm dân sự.

Theo tờ The Wall Street Journal mới đây dẫn lời giới chức phương Tây, những nhà phân tích an ninh và dữ liệu hải quan, nhiều UAV thương mại xuất hiện ở tiền tuyến được phía Nga mua từ DJI, hãng UAV dân sự Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất thế giới, thông qua bên thứ 3.

Yếu tố Trung Quốc trong tình hình chiến sự Ukraine - Ảnh 4.

Binh sĩ Ukraine cho UAV xuất phát tại Bakhmut

AFP

Chuyên gia UAV Faine Greenwood tại Trung tâm Sáng kiến nhân đạo Harvard (Mỹ) cho rằng DJI là UAV phổ biến nhất cho đến nay trong chiến sự ở Ukraine, nhờ đặc điểm gọn nhẹ, chi phí thấp và tiện dụng.

Mẫu UAV Mavic của DJI được ưa chuộng đến mức hồi tháng 8.2022, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Yuri Baluyevsky nói rằng đó là “một biểu tượng thực sự của chiến tranh hiện đại”, khiến DJI và cư dân mạng xã hội Trung Quốc chỉ trích gay gắt, theo trang Foreign Policy.

Không chỉ có Nga, lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng hiệu quả mẫu UAV của Trung Quốc. Theo trang EastMojo, UAV được chuộng nhất là các mẫu Mavic nặng chưa đến 1 kg, có thể bay khoảng 10 km trong 45 phút.

Các UAV gắn thẻ định vị, giúp các đơn vị pháo binh xác định mục tiêu chính xác, thay vì phải điều binh sĩ trinh sát và báo cáo. Báo The Financial cho rằng kể từ đầu chiến sự, Tập đoàn Metinvest (Ukraine) đã cung cấp 1.100 UAV đã cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

UAV rẻ hơn tên lửa, Nga muốn vắt kiệt phòng không Ukraine

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo lệnh cấm vận đối với một công ty Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp hình ảnh vệ tinh của Ukraine để hỗ trợ lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga.

Theo BBC, Viện Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Không gian Changsha Tianyi (Spacety) cung cấp cho Công ty Công nghệ Terra Tech ở Nga những hình ảnh vệ tinh radar đa phổ (SAR) về những địa điểm ở Ukraine.

Spacety bác bỏ cáo buộc vi phạm bất cứ luật lệ, quy định nào của nước ngoài, đồng thời khẳng định công ty không có mối quan hệ với Nga, do Moscow hiện bị phương Tây cấm vận, theo South China Morning Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.