Gia đình trẻ hạnh phúc

Bên nhau, mình là nhà: Nếu 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt'...

28/09/2024 09:05 GMT+7

Trong cuộc sống vợ chồng sẽ có những lúc bất hòa, mâu thuẫn. Làm thế nào để tháo gỡ những khúc mắc nếu xảy ra? Đâu là những điều nên và không nên làm trong lúc nóng giận để xóa mờ bất đồng, cũng như giúp tình cảm vợ chồng không vơi đi chỉ vì phút giây xung đột?

Ly hôn ngày càng nhiều

Một minh chứng rõ nét cho việc tình trạng xung đột, "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" trong đời sống vợ chồng diễn ra thường xuyên đó là tỷ lệ ly hôn ngày càng nhiều.

Vấn đề nổi cộm này đã thể hiện qua những con số biết nói. Theo số liệu của Trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP.HCM, trong nghiên cứu khảo sát từ năm 2021 đến nay, tại thành phố này cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao và đáng chú ý là năm sau luôn tăng hơn năm trước.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023 có 680.049 cặp kết hôn nhưng có 32.060 vụ ly hôn. Trước đó, vào năm 2022 có hơn 29.010 vụ ly hôn, năm 2021 có 22.132 vụ ly hôn. Và theo thống kê của tòa án, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.

Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trong cuộc sống hôn nhân, nếu xảy ra bất đồng quan điểm hoặc sự không đồng nhất trong suy nghĩ, một bộ phận người trẻ có xu hướng dễ dàng đưa ra quyết định ly hôn vì cái tôi được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, không ít người dễ dàng chấp nhận ly hôn như một giải pháp, thay vì tìm cách khác để giải quyết vấn đề.

Bên nhau, mình là nhà: Nếu 'cơm chẳng lành, 
canh chẳng ngọt'...- Ảnh 1.

Trong cuộc sống vợ chồng sẽ có những lúc bất hòa, mâu thuẫn (ảnh minh họa)

ẢNH: HÀ NGỌC QUÝ

"Nếu "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", mà cả vợ lẫn chồng đều cố giữ vững cái tôi của mình, thì dù những khác biệt nhỏ cũng có thể trở thành xung đột lớn, dẫn đến không thể tìm được tiếng nói chung", ông Quân nói.

Khi tình cảm trục trặc…

Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Minh Khuê, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, cho rằng cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng màu hồng. Tình cảm vợ chồng đôi lúc có thể trục trặc. Chị Khuê chỉ ra những lý do như: áp lực về tài chính, sự hời hợt, không quan tâm và thiếu trách nhiệm của chồng cũng như vợ, bất đồng về quan điểm sống, không thấu hiểu và tôn trọng đối phương…

Thực tế, theo chia sẻ của không ít cặp vợ chồng trẻ, họ cũng gặp những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày với người đầu ấp tay gối.

Chị N.N.L (32 tuổi, làm việc ở Q.5, TP.HCM) cho biết có những mâu thuẫn xuất phát từ những hiểu lầm nhỏ. Tuy nhiên vì chồng không chịu kể, chẳng giải thích, để rồi chị ấm ức, dẫn đến cãi nhau. Sau đó là chuỗi ngày "chiến tranh lạnh", chẳng ai nói với ai câu nào.

Anh Đ.M.K (34 tuổi, làm việc ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng nói: "Tôi và vợ hay lục đục. Lý do chỉ vì ít chia sẻ, tâm sự cho nhau nghe chuyện công việc. Và rồi từ những khúc mắc vụn vặt cũng trở thành nguyên nhân dẫn đến không khí gia đình ngột ngạt, bí bách".

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Khuê, những xích mích sẽ không phải là trở ngại nếu cả hai biết dung hòa cũng như tìm giải pháp thỏa đáng. Còn cứ để mâu thuẫn dai dẳng có thể khiến hôn nhân rạn nứt. "Điều quan trọng là bản thân cả vợ lẫn chồng phải biết kiềm chế bản thân, biết kiểm soát cảm xúc, đừng "ăn thua đủ" với người đứng tên chung trong giấy đăng ký kết hôn. Vì có thể thắng trong cuộc tranh cãi nhưng thua trong chuyện tình cảm", chị Khuê nói.

Theo chị Khuê, nếu rơi vào tình cảnh "cơm không lành, canh chẳng ngọt", đừng biến chuyện nhỏ thành chuyện to, xử lý ầm ĩ dù câu chuyện khá đơn giản. "Thay vào đó, bình tĩnh ngồi nói chuyện với nhau. Cần có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu và lắng nghe lẫn nhau", chị Khuê chia sẻ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Hồng Hải, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, nêu ra những điều mà khi vợ chồng tranh cãi tuyệt đối không nên làm.

"Đừng "vạch áo cho người xem lưng", nghĩa là đừng kể chuyện gia đình lục đục cho người ngoài nghe. Công khai chuyện nội bộ trong nhà cho người ngoài có thể khiến câu chuyện đi xa, gặp nhiều rắc rối. Cũng đừng lạm dụng việc không vui với chồng thì bỏ về nhà mẹ đẻ, bạn thân, hoặc không vui với vợ thì đi nhậu với đồng nghiệp qua đêm… Điều này dễ khiến đối phương thêm tức tối và mâu thuẫn kéo dài, khó có thể giải quyết. Đặc biệt, đừng bao giờ đem chuyện ly hôn ra nói trong lúc cãi nhau", chị Hải nói.

Để "cơm luôn lành, canh luôn ngọt"

Đ.T.T.T (29 tuổi, làm việc ở Q.5, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: "Để vợ chồng luôn gắn bó, thì mỗi người luôn thành thật với nhau trong mọi vấn đề. Khi cảm thấy căng thẳng xuất hiện, chồng tôi luôn biết cách hóa giải, chẳng hạn như một câu đùa khiến tôi phải bật cười, một nụ hôn hay một cái ôm có thể xoa dịu cơn bực tức. Những hành động ngọt ngào rất hữu ích trong việc đẩy lùi xung đột. Còn bản thân tôi, luôn cố gắng xử sự hợp tình, hợp lý và khéo léo để giúp hạn chế tối đa những bất hòa. Ngoài ra, để tình cảm luôn tràn đầy thì vợ chồng phải luôn trân quý và tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy cuộc sống mới viên mãn và hạnh phúc".

Anh P.T.S (31 tuổi, làm việc ở KCN Tân Bình, TP.HCM) nói: "Một trong những lý do phổ biến nhất khiến vợ chồng dễ cãi nhau đó là có những người chồng không chung thủy. Chính vì thế, điều quan trọng trong cuộc sống vợ chồng là chung thủy. Ngoài ra, cần nói không với các hành vi bạo lực gia đình".

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Hồng Hải chia sẻ cách để "cơm luôn lành, canh luôn ngọt", đó là phụ nữ đừng quá "làm mình làm mẩy", còn đàn ông không nên gia trưởng, áp đặt, thị uy quyền lực… Thay vào đó, tự bản thân mỗi người cần nhìn được ưu khuyết điểm để hạn chế sai sót, phát huy những mặt tích cực.

"Bất cứ ai cũng có những điểm chưa hoàn thiện. Chính vì thế, thi thoảng người chồng có thể hỏi vợ: em thấy anh chưa được ở điểm nào, em nói để anh thay đổi. Người vợ cũng có thể tâm sự với chồng là anh thấy em cần thay đổi điều gì để trở thành người vợ, người mẹ tốt? Khi cả hai đều nỗ lực hoàn thiện bản thân mình thì những xung đột sẽ vơi đi và không còn", chị Hải hướng dẫn.

Cũng theo chị Hải, một nguyên tắc quan trọng là vợ chồng cần luôn yêu thương, tôn trọng nhau. Cần "đồng cam cộng khổ" để cùng vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống. Hãy dành thời gian cho nhau nhiều hơn nhằm chia sẻ, tâm sự về cuộc sống, công việc hằng ngày…

Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng Gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.