Bất chấp mưa gió, hàng ngàn người đã đến chào tạm biệt gấu trúc Phúc Bảo. Họ mang theo áp phích, những món đồ có hình con gấu trúc này đứng đợi trước công viên giải trí Everland (thành phố Yongin, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 40 km về phía nam). Theo ước tính của Yonhap, khoảng 6.000 người có mặt và nhiều người đã đợi từ 4 giờ sáng 3.4.
Sự nổi tiếng của con gấu trúc này còn gắn liền với hai người chăm sóc nó là ông Kang Cheol-won và ông Song Young-gwan. Những khoảnh khắc đáng yêu của Phúc Bảo cùng "ông nội, ông ngoại" cũng được chia sẻ rộng rãi. Trong một video trên YouTube, ông Kang nói: "Phúc Bảo đã mang lại niềm vui cho mọi người theo nhiều cách khác nhau, nhất là trong thời điểm khó khăn vì đại dịch Covid-19".
Phúc Bảo cũng là gấu trúc đầu tiên được sinh ra tại Hàn Quốc, có bố là Lebao (Lạc Bảo) và mẹ là Aibao (Ái Bảo), cặp gấu trúc được Trung Quốc cho mượn vào năm 2016.
Theo thỏa thuận giữa Seoul và Bắc Kinh, cha mẹ của Phúc Bảo có thể ở lại Hàn Quốc cho đến năm 2031, nhưng Phúc Bảo và hai chị em sinh đôi của nàng gấu này phải trở về Trung Quốc trước khi tròn bốn tuổi.
Một tháng trước, hàng ngàn người xếp hàng dài chờ đợi 5 - 6 giờ đồng hồ để được nhìn thấy Phúc Bảo trong lần cuối cùng "phục vụ công chúng" ở công viên giải trí. Vì quá đông, mỗi người chỉ được xem Phúc Bảo trong vỏn vẹn 5 phút. Khi đó, con gấu trúc nổi tiếng nhất xứ Hàn được người hâm mộ tặng rất nhiều quà chia tay, trước khi Phúc Bảo bắt đầu thời gian cách ly một tháng để chuẩn bị cho chuyến trở về Trung Quốc vì đã đến tuổi đủ khả năng sinh sản.
Theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ký kết năm 1973, mọi gấu trúc khổng lồ (thường gọi là gấu trúc) trên thế giới đều thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc. CITES nêu rõ: "Bất kỳ gấu trúc nào được đưa ra nước ngoài để cho mượn và con của nó đều là tài sản của chính phủ Trung Quốc". Gấu trúc được đưa vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 1984. Theo Quỹ thiên nhiên thế giới, hiện chỉ có khoảng 1.800 con gấu trúc còn sống trên thế giới và được xếp vào loài "dễ tổn thương". Trung Quốc có thể dùng gấu trúc như các sứ giả ngoại giao theo công ước trên và thực tế Bắc Kinh đã tặng (trước năm 1984) hoặc cho mượn những con gấu trúc này như biểu hiện của tình hữu nghị với đối tác nước ngoài (tới nay là khoảng 20 quốc gia).
Bình luận (0)