Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính hết ngày 20.4, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng vốn đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng hơn 73% so cùng kỳ năm ngoái với 966 dự án (tăng gần 29%). Tuy vậy, báo cáo cũng cho thấy, số dự án điều chỉnh; góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh. Lần lượt giảm 25,6% và giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Với nhà đầu tư mới, đa số tập trung trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký lên gần 5 tỉ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỉ USD, chiếm 22,5%; các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.
Tuy vậy, một thông tin tích cực theo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm tăng mạnh, ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo cơ quan này, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Giải ngân vốn FDI cao nhất trong 5 năm qua
Các con số thống kê cho thấy, từ năm 2020 tới nay, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt lần lượt 5,15 tỉ USD (năm 2020); 5,5 tỉ USD (2021); 5,92 tỉ USD (2022); 5,85 tỉ USD (2023) và 6,28 tỉ USD.
Trong mức giải ngân của 4 tháng năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỉ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Ngoài ra, trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỉ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hồng Kông với 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%...
Bình luận (0)