Do quy định “đối đầu” giữa của Bộ NN-PTNT và nước nhập khẩu hoa về hoạt chất Glyphosate để ngâm cành hoa, mà Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) và các nông hộ phải tiêu hủy hàng trăm ngàn cành hoa trong hơn 10 ngày qua thay vì xuất khẩu sang Úc.
|
Nghịch lý, mình tự làm khó mình
Chiều 13.7, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm cho biết theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thì từ ngày 1.7.2021, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước. Trong khi hàng chục năm qua Dalat Hasfarm sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa trong 20 phút trước khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc. Điều đáng nói, hoạt chất Glyphosate được Úc, Nhật Bản là những nước nhập khẩu hoa Đà Lạt chấp nhận.
|
Theo ông Bảo, do qui định này nên hơn 10 ngày qua, Tổ Kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đóng tại H.Đức Trọng (Lâm Đồng) từ chối không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc. Do đó, Dalat Hasfarm “ngậm đắng nuốt cay” chở khoảng 700 ngàn cành hoa cúc, cẩm chướng về lại trang trại ở Đạ Ròn (Đơn Dương) để tiêu hủy.
Ông Adrianus Gordijn, Tổng giám đốc Dalat Hasfarm cho biết thêm, công ty hoàn toàn ủng hộ chủ trương ngừng sử dụng hoạt chất Glyphosate tại Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người và môi trường. Tuy nhiên, một nghịch lý là nước nhập khẩu hoa (Úc) không chấp nhận tiệt mầm cành hòa bằng hoạt chất khác, ngoài Glyphosate. Mặc dù trước đó đối tác của công ty đã báo cáo kết quả thử nghiệm các hoạt chất thay thế cho phía Úc nhưng cũng chưa chấp thuận.
|
“Trước tình thế cấp bách như hiện nay chúng tôi chỉ mong Cục Bảo vệ thực vật cho phép công ty gia hạn sử dụng hoạt chất Glyphosate để tiếp tục xuất khẩu hoa cho Úc, tránh đứt gãy nguồn cung dẫn đến đánh mất thị trường tiềm năng này. Đồng thời chúng tôi cũng mong phía Bộ NN-PTNT làm việc với cơ quan chức năng của Úc để có tiếng nói chính thức, thay đổi các quy định về sử dụng hoạt chất Glyphosate bằng hoạt chất phù hợp với quy định của Việt Nam”- Ông Adrianus Gordijn nói.
Thiệt đơn thiệt kép giữa mùa dịch Covid-19
Ông Bảo cho biết, đợt dịch Covid-19 năm nay bùng phát khắp cả nước, khiến thị trường tiêu thụ hoa trong nước của Dalat Harfarm giảm hơn 60%, nay lại vướng qui định “đối đầu” không thể xuất khẩu hoa sang thị trường Úc gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng bộ phận đóng gói Dalat Hasfarm cho biết thêm, từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên thị trường tiêu thụ hoa gặp nhiều khó khăn. Đến nay khi thị trường xuất khẩu bắt đầu khởi sắc thì các lô hàng xuất đi Úc không thể thực hiện do vướng quy định “đối đầu” về Glyphosate .
|
Để phục vụ thị trường xuất khẩu hoa qua Úc, Dalat Hasfarm đầu tư 20 ha sản xuất, đồng thời liên kết với 40 nông hộ sản xuất hoa khoảng 20 ha cúc và cẩm chướng theo ụng công nghệ cao. Hơn 10 ngày qua dù không xuất khẩu được nhưng Dalat Hasfarm vẫn phải thu mua hoa của các nông hộ và mang đi…tiêu hủy rất xót xa! Theo hợp đồng đã ký kết với các đối tác Úc, từ nay đến cuối năm Dalat Hasfarm xuất khẩu 20 triệu cành hoa cúc và cẩm chướng. Nếu Bộ NN-PTNT không cho gia hạn sử dụng hoạt chất Glyphosate cho đến khi Úc chấp nhận hoạt chất thay thế thì mỗi tháng Dalat Hasfarm phải tiêu hủy 2 triệu cành hoa, từ nay đến cuối năm thiệt hại ước tính hơn 60 tỷ đồng.
Nguy cơ đánh mất thị trường truyền thống
Ông Nguyễn Văn Bảo cho biết Úc thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, sau Nhật Bản của Dalat Hasfarm và ngành hoa Đà Lạt. Mỗi năm doanh thu xuất khẩu hoa của Dalat Hasfarm qua Úc đạt 5,2 triệu USD. Úc nhập khẩu hoa Đà Lạt suốt 23 năm qua, và sản lượng đang tăng dần từng năm.
|
Việc Bộ NN-PTTT không cho sử dụng hoạt chất Glyphosate để ngâm cành hoa cúc đang gây thiệt hại ban đầu của nhà vườn và doanh nghiệp đã rõ. Nhưng nếu vướng mắc này không sớm được tháo gỡ, nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu hoa Đà Lạt sang Úc sẽ là thiệt hại chưa thể đo đếm được.
Cũng theo ông Bảo, nhiều năm qua Trung Quốc và Malaysia cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu hoa qua Úc, nhưng Úc chọn hoa Đà Lạt. Nay nếu hoa Đà Lạt không qua được Úc do vướng qui định không được sử dụng hoạt chất Glyphosate thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chiếm mất thị trường truyền thống này. Đây mới là thiệt hại lâu dài cho Dalat Hasfarm và ngành sản xuất hoa Đà Lạt.
|
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nhận định, việc không cho sử dụng hoạt chất Glyphosate đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và các nông hộ trồng hoa ở Đà Lạt. Mặt khác còn có nguy cơ buộc hàng trăm công nhân phải nghỉ việc, nhiều nhà vườn mất thu nhập vì phải cắt, đổ bỏ hoa ngoài đồng. Mất thị trường Úc không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành hoa, ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng mà còn là thiệt hại chung của ngành hoa, ngành nông nghiệp của cả nước nói chung.
Cũng theo ông Sang, sau khi nhận được kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, mới đây Cục Bảo vệ thực vật có thông báo Bộ Nông nghiệp Úc đã đồng ý thay thế hoạt chất khác Glyphosate và đang đợi phía Úc chấp nhận các hoạt chất thay thế khác. Trước mắt Hiệp hội hoa Đà Lạt mong Bộ NN-PTNT tạm thời vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp và các thành viên Hiệp hội hoa được tiếp tục sử dụng Glyphosate cho đến khi Úc đồng ý thay thế hoạt chất khác.
Bình luận (0)