Tại Gõ cửa thăm nhà tập 174, Quốc Thuận và Ngọc Lan đưa khán giả đến gặp vợ chồng chị Trịnh Thị Bích Như và anh Đỗ Viết Thạch. Tại ASEAN Para Games 12, kình ngư Bích Như đã giành tổng cộng 5 huy chương vàng và 3 kỷ lục cá nhân tại các nội dung bơi. Chồng cô cũng từng thuộc đội tuyển bơi thành phố, hiện dạy phổ cập bơi cho các em nhỏ.
Bước vào căn nhà cũ chưa hoàn thiện được dựng bằng bức tường gạch và những tấm tôn cũ, Ngọc Lan và Quốc Thuận đều không giấu được nghẹn ngào bởi không nghĩ một vận động viên bơi lội từng giành nhiều thành tích lại sống trong một căn nhà như vậy. Theo chia sẻ, vợ chồng Bích Như dành dụm mua căn nhà từ năm 2019 nhưng vẫn chưa có tiền để sửa lại. "Những buổi trời mưa thì phía sau bị tạt, phía trên mái nhà bị dột nhưng chúng tôi chưa có tiền sửa. Mình cứ cố gắng ở một thời gian, bởi đến giờ chúng tôi cũng chưa trả hết tiền nhà. Thu nhập hằng tháng của chồng tôi cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống, lúc khỏe mạnh thì không sao nhưng lỡ đau ốm thì khá căng", Bích Như tâm sự.
Theo chia sẻ, từ một cô bé hoàn toàn khỏe mạnh, đến năm 3 tuổi, Bích Như bị một trận sốt khiến đôi chân cô teo tóp rồi bại liệt dù gia đình đã tìm đủ mọi cách cứu chữa. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến năm 12 tuổi, Bích Như mới bắt đầu được đi học. Cô kể bản thân phải tự ra con sông nhỏ học bơi, rồi chèo xuồng đi học. Nhưng học đến lớp 5 thì Bích Như đành phải nghỉ vì lên cấp 2 trường xa hơn, việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn.
"Tôi buồn nhiều lắm, vì mình là người khuyết tật không làm được gì, tôi chỉ biết cố gắng học. Nhưng hoàn cảnh gia đình khiến mình không đi học được thì phải chấp nhận. Tôi thấy mình khuyết tật, ba má nuôi cực khổ quá nên đôi lúc suy nghĩ hay mình chết đi rồi hiến xác", nói đến đây thì bật khóc.
Mang trong mình ý chí tự lập, năm 2006, Bích Như một mình khăn gói lên TP.HCM học nghề tại một trung tâm của người khuyết tật. Tại đây, cô nhận việc làm thêm với mức tiền công vỏn vẹn 150.000 đồng/tháng. Sau đó, Bích Như được người bạn rủ đến lớp bơi của người khuyết tật, ban đầu chỉ với mục đích tiếp xúc, gặp gỡ để hòa đồng với mọi người. Nhưng sau đó, người thầy ở trung tâm dạy bơi nhận thấy cô có khả năng đi thi đấu nên động viên cô thử sức. Chỉ 2 tháng sau, cô được tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2010 tại Đà Nẵng và giành 2 huy chương vàng. Cũng chỉ sau đó vài tháng, Bích Như đã có huy chương vàng tại ASEAN Para Games 2011.
"Thời điểm đó, tiền làm thêm một tháng của tôi chỉ có 150.000 đồng nhưng giành được một huy chương vàng là tôi được thưởng 5 triệu đồng, một số tiền quá lớn. Còn khi giành được huy chương vàng của Para Games thì tôi được nhận 25 triệu đồng cho một huy chương", Bích Như tiết lộ.
Dù vậy, cuộc sống hiện tại của vợ chồng cô vẫn còn chồng chất khó khăn. Bởi sau thời gian đi thi đấu, kình ngư chưa tìm được công việc làm, anh Viết Thạch nhận dạy bơi nhưng thu nhập không ổn định. Đó cũng là lý do vợ chồng cô chưa dám có con. Nữ vận động viên bộc bạch: "Tôi lo lắng cho cuộc sống và tương lai lắm. Nhiều lúc tôi trăn trở với chồng, bây giờ thì mình sống được nhưng sau này bệnh không biết lấy gì lo".
Lắng nghe tâm sự của Bích Như, Ngọc Lan nghẹn ngào chia sẻ: "Khi một vận động viên mang huy chương về cho quốc gia là điều rất hãnh diện. Nhưng đổi lại thì cuộc sống của họ vẫn còn đang rất khổ. Không biết đến khi nào tất cả các vận động viên mang danh dự về cho đất nước mới được đối xử đồng đều. Thật sự đây là một điều rất trăn trở...".
Bình luận (0)