Ngày 7.11, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, cho biết hội đồng này đã tiếp tục có kiến nghị lần 2 gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về hồ sơ di sản Lễ giỗ bà Phi Yến (ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Tái hiện các nghi lễ triều Nguyễn tại cửa Ngọ Môn, Di tích cố đô Huế |
Bùi NGọc Long |
Lý do để Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tiếp tục kiến nghị là do ngày 28.10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL có quyết định điều chỉnh tên gọi di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ Lễ hội truyền thống Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành tên gọi Lễ hội truyền thống Lễ giỗ bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, quyết định điều chỉnh tên gọi Lễ giỗ bà Phi Yến mà không kèm theo bất cứ chỉ đạo nào của Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam cũng không được thông báo gì về diễn biến liên quan đến bản kiến nghị lần 1 mà Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã gửi cho Bộ VH-TT-DL trước đó.
PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm về hồ sơ di sản Lễ giỗ bà Phi Yến tại TP.Huế hồi tháng 4.2022 |
Bùi Ngọc Long |
Vì vậy, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tiếp tục kiến nghị hủy bỏ quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Yêu cầu này đặt ra nhằm bảo vệ tính chính đáng của một hồ sơ khoa học, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với vị vua khởi nghiệp một triều đại để đất nước có được hình hài như hôm nay; không xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh linh hoàng đế Gia Long cũng như Nguyễn Phúc tộc.
Cũng theo bản kiến nghị lần 2, nếu vẫn muốn giữ danh hiệu di sản văn hóa cho Lễ giỗ bà Phi Yến, đề nghị Bộ VH-TT-DL nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trách nhiệm soạn hồ sơ di sản tôn trọng khoa học và lịch sử, xóa bỏ những chi tiết liên quan đến vua Gia Long trong hồ sơ, đồng thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền rộng rãi hồ sơ sau khi chỉnh sửa; tại miếu An Sơn (nơi diễn ra Lễ hội Lễ giỗ bà Phi Yến) phải loại bỏ các hàng giới thiệu sai lệch lịch sử và bôi nhọ vua Gia Long. Đồng thời, Bộ VH-TT-DL cung cấp bản sao hồ sơ chỉnh sửa di sản Lễ giỗ bà Phi Yến và các văn bản chỉ đạo của Bộ cho Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.
Bình luận (0)