Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 31.3, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), xác nhận Cục Y tế giao thông vận tải và Bộ Y tế đang soạn dự thảo tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt. Tại dự thảo này, các tiêu chí sức khỏe được đề cập khá chi tiết về thể lực; chức năng sinh lý, bệnh lý (nhãn khoa, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, khớp, da liễu, tiêu hóa, nội tiết chuyển hóa (béo phì, gout…); tiết niệu - sinh dục nữ/nam.
Răng hô, ngực nhỏ, viêm phụ khoa… đều bị loại
|
Dự thảo cũng nêu nam giới có vòng ngực dưới 80 cm, nữ giới dưới 75 cm sẽ không đủ tiêu chuẩn làm lái tàu, phụ tàu. Những người răng hô (khoảng cách hai hàm xa nhau trên 5 mm), khe hở môi vòm miệng có ảnh hưởng phát âm… cũng không phù hợp với vị trí công việc lái tàu, trưởng tàu...
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng việc đưa ra các quy định tại dự thảo là có lý do vì quy định các tiêu chí sức khỏe không chỉ là đơn thuần để hoàn thành công việc mà còn phải bảo vệ sức khỏe cho người ở vị trí công việc đó. “Do công việc đặc thù thân nhiệt có thể cao hơn bình thường, nếu lâu dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng làm tăng nguy cơ hiếm muộn; hoặc với người đã có khối u nếu làm việc trong môi trường không phù hợp hoặc có các yếu tố nguy hại, hóa chất, khói bụi có thể làm gia tăng nguy cơ u ác tính hoặc tiến triển xấu cho sức khỏe, thậm chí giảm tuổi thọ. Do đó cần có tiêu chí phù hợp công việc”, ông Quang ví dụ.
Chọn thẩm mỹ hay sức khỏe ?
Về quy định răng hô không được lái tàu, bác sĩ Trần Hà, Trưởng khoa Phục hình Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM), cho rằng: “Răng hô chỉ là về mặt thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến việc phát âm gây nghe tiếng không rõ, nên không ảnh hưởng đến làm công việc lái tàu”. Tương tự, PGS-TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cũng cho rằng răng hô chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ hay sức nhai, nhưng nếu vẫn phát âm nghe rõ bình thường thì không hà cớ gì cấm làm nghề lái tàu. “Trước đây cũng từng có những quy định bất hợp lý đối với người thi bằng lái xe, bị phản ứng. Do vậy, khi đưa ra quy định cần tham khảo kỹ lưỡng những bác sĩ chuyên khoa để có tiêu chí, quy định đúng, phù hợp”, PGS-TS Hùng nói và cho biết thêm với những người tinh hoàn ẩn nếu được phẫu thuật điều trị, sức khỏe tốt thì vẫn làm công việc phụ tàu, lái tàu được...
Với những quy định về sức khỏe nữ giới, một chuyên gia sản phụ khoa cho rằng với nghề đặc thù như lái tàu, trưởng tàu thì việc quy định sức khỏe là cần thiết, nhưng cần điều chỉnh để phù hợp hơn vì không phải cứ bị u là ốm yếu.
Liên quan quy định “ngực lép”, ông Lê Tuấn Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thành viên ban soạn thảo tiêu chuẩn quy định về sức khỏe của nhân viên đường sắt, cho rằng “vòng ngực” chỉ là một trong nhiều chỉ số sinh học được đưa ra để đảm bảo sức khỏe của người lái tàu, vì đây là một trong những chỉ số đánh giá thể trạng sức khỏe của một người về chức năng hô hấp. Tuy nhiên, chỉ số này có thể thay đổi nếu các cơ sở khám chữa bệnh có ý kiến. Tương tự, ông Huy Quang cũng nhìn nhận việc quy định các tiêu chí sức khỏe nhân viên đường sắt cần có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu mới, trong đó có tiêu chí cần nâng lên nhưng có tiêu chí có thể sẽ phải lược bỏ để phù hợp theo hướng đảm bảo chất lượng công việc và không phiền hà cho người lao động. “Chúng tôi cũng nhận được thắc mắc, vì sao can thiệp dương vật hay tinh hoàn ẩn lại không đủ điều kiện lái tàu hay là trưởng tàu. Thực tế có những tiêu chí đưa ra là chuyên môn sâu, khiến người dân chưa hiểu, khi phản biện chúng tôi sẽ cùng nhau trao đổi thêm để làm rõ”, ông Quang chia sẻ và khẳng định dự thảo mới là lần 1 nên rất cần sự góp ý của các chuyên gia, những người quan tâm và cả ý kiến từ cơ quan báo chí.
Bình luận (0)