Sáng tạo trẻ: Kiểm soát điện ở gia đình

25/10/2018 08:24 GMT+7

Quản lý năng lượng điện bằng ứng dụng IoT (mạng lưới vạn vật kết nối internet) là nghiên cứu mang tính ứng dụng cao được nhóm sinh viên chuyên ngành kỹ thuật điện, điện tử Trường ĐH Bách khoa (Đà Nẵng) thực hiện.

Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên: Phạm Văn Lai, Lê Việt, Nguyễn Ngọc Tiến, Phan Thanh Vang.
Tự quản lý điện tại nhà
Sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn chỉ nhỉnh hơn bàn tay, dễ dàng kết nối và lắp đặt vào hệ thống điện gia đình, giúp chúng ta có thể giám sát lượng điện tiêu thụ và đóng cắt thiết bị từ xa
Sinh viên NGUYỄN NGỌC TIẾN
Sinh viên Phạm Văn Lai, thành viên “cốt cán” của nhóm nghiên cứu, cho biết thiết bị do nhóm sáng chế có thể giúp các hộ gia đình đo các thông số dòng điện, điện áp, công suất năng lượng điện tiêu thụ. Chủ hộ chỉ cần thao tác trên website có kết nối với thiết bị để tra cứu, cập nhật dữ liệu điện tiêu thụ theo giờ, trên từng thiết bị. Thậm chí, thông qua các kết nối có thể ngắt các thiết bị không sử dụng hoặc khi đi vắng, để tránh rò rỉ, tiêu hao điện và đảm bảo an toàn.
Qua khảo sát của nhóm khi thực hiện đề tài cho thấy hiện tại Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã nghiên cứu thiết bị công tơ điện tử có thể đọc giá trị từ xa qua sóng RF, hoặc gửi dữ liệu lên server thông qua GPRS. Một số công ty thương mại cũng đã nghiên cứu sản xuất thiết bị công tơ điện tử, đo dòng điện công suất và năng lượng tiêu thụ với độ chính xác cao.
Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, hạn chế của các thiết bị trên là gửi dữ liệu lên server bằng GPRS nên sẽ tốn thêm chi phí trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, dữ liệu tường do phía EVN nắm giữ, người dùng không tiện truy cập mà chỉ được thông báo số tiền điện phải trả, cho nên khách hàng không giám sát được tình hình điện áp, năng lượng điện tiêu thụ của mình...

Ngay khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, mỗi thành viên của nhóm đảm nhiệm mỗi việc tùy theo sở trường như thiết kế mạch, thiết kế web, thiết kế công cụ đo tích hợp, thiết kế sản phẩm nhỏ gọn, tiện dụng…
Nhóm sử dụng modul tích hợp để đo các thông số điện áp, dòng điện, công suất, năng lượng điện tiêu thụ, giá thành của modul này rẻ hơn so với IC ADE7755 do EVN nghiên cứu nhưng đảm bảo độ chính xác cao, sai số <1% tuân theo tiêu chuẩn TCVN 6571:1999 (IEC 687:1992) về thiết bị đo điện xoay chiều. Bên cạnh đó, thiết bị có cơ chế cảm biến để đọc được các thông số điện, giá trị điện áp, dòng điện tức thời, từ đó tính ra các thông số công suất, năng lượng tiêu thụ.
“Sản phẩm sử dụng server riêng và cung cấp cho người dùng một tài khoản có thể đăng nhập vào website và giám sát được các thông số điện áp, dòng điện, công suất, năng lượng tiêu thụ của nhà mình. Người dùng cũng sẽ thao tác đóng cắt thiết bị ngay trên các thanh công cụ của website”, Lai giải thích thêm.
Tiện dụng và... rẻ
Với khả năng truy cập website từ các thiết bị điện tử thông minh, mỗi người có thể tự kết nối và kiểm soát hoạt động và mức độ tiêu thụ điện của gia đình mình. Công nghệ này giúp mỗi gia đình chủ động hướng đến cải thiện tiêu chí “căn hộ thông minh“ trong thời đại công nghệ số.
“Sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn, chỉ nhỉnh hơn bàn tay, dễ dàng kết nối và lắp đặt vào hệ thống điện gia đình, giúp chúng ta có thể giám sát lượng điện tiêu thụ và đóng cắt thiết bị từ xa. Thậm chí một gia đình có thể sử dụng nhiều sản phẩm cho nhiều thiết bị điện khác nhau để quản lý được lượng điện tiêu thụ của từng thiết bị”, sinh viên Nguyễn Ngọc Tiến giải thích.
Cũng theo Tiến, các nhà trọ, công ty cũng có thể lắp đặt mỗi phòng một sản phẩm để giúp việc thu thập lượng điện tiêu thụ của từng phòng được dễ dàng hơn.
Công trình của nhóm sinh viên đang được đánh giá cao ở tính ứng dụng. Theo tiến sĩ Ngô Văn Sỹ (Trung tâm nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa), ưu điểm của công trình này là người dân có thể tự trang bị và kiểm soát hoạt động của các thiết bị điện ở gia đình, đặc biệt là khi họ không có ở nhà. “Tính tiện dụng của sản phẩm rất cao trong khi giá thành sản phẩm cũng rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng một sản phẩm nên rất có hướng để phát triển ra thị trường trong thời đại công nghệ 4.0”, tiến sĩ Sỹ đánh giá.
Sẽ phát triển sản phẩm ra thị trường
Qua thời gian nghiên cứu, theo dõi độ ổn định cũng như độ chính xác cao của sản phẩm, nhóm tự tin đặt mục tiêu phát triển sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới. Giá thành sản xuất khoảng 500.000 đồng/thiết bị; có thể tận dụng wifi sẵn có trong gia đình để tiết kiệm chi phí trong quá trình cập nhật và sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.