Bước ngoặt mới, TMP sẵn sàng
Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, nay là Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP) chính thức được khởi công xây dựng ngày 20.11.1991, khánh thành ngày 30.4.1995 với công suất 2x75 MW, sản lượng điện theo thiết kế 600 triệu kWh. Đến nay, Thủy điện Thác Mơ đã phát hòa lưới quốc gia hơn 20 tỉ kWh điện, đóng góp đáng kể trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia. Hằng năm, TMP đóng góp vào ngân sách địa phương hơn 200 tỉ đồng.
Không dừng lại với những thành tích đạt được, lãnh đạo TMP nhận thức sâu xa rằng, sau 28 năm vận hành, thiết bị công nghệ và hệ thống điều khiển đã đang bước vào chu kỳ thay thế, cần nâng cấp, cập nhật công nghệ vận hành với mức độ tự động ngày càng cao. Thiết bị công nghệ phục vụ công tác sản xuất điện cũng cần đổi mới để tối ưu trong vận hành, hướng tới kỷ nguyên công nghiệp 4.0 và kinh tế số.
Cùng với chiến lược phát triển đúng đắn và sự quyết tâm, quan tâm đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), những năm gần đây, lãnh đạo TMP đã nâng cấp hạ tầng công nghệ, hình thành một hệ sinh thái đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài cho các nhà máy điện của mình. Qua đó, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng điện năng của hệ thống điện quốc gia, sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế số.
Mục đích đặt mối quan hệ với đối tác có tiềm lực, uy tín trong lĩnh vực xây dựng, phát triển và vận hành nguồn năng lượng tầm thế giới, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ vào tháng 12.2022, tại tiểu bang New York, Tổng giám đốc TMP Nguyễn Văn Non và đại diện GE Global Reseach đã ký thỏa thuận hợp tác MOU (Memorandum of Understanding), thực hiện các nội dung có liên quan đến O&M và chuyển đổi số ở lĩnh vực nhà máy điện.
Tháng 2.2023, các chuyên gia của GE Hydro France đã giới thiệu với TMP giải pháp của GE, trình bày tầm nhìn về chuyển đổi số trong nhà máy thủy điện và nhiệt điện. Các chuyên gia của GE đã demo chương trình bảo trì dự đoán APM, Chiến lược bảo trì và chỉ số sức khỏe thiết bị, chương trình số hóa hỗ trợ tính linh hoạt trong vận hành, bảo dưỡng thiết bị.
"Bước vào nền kinh tế số, số hóa trở thành công cụ giám sát, cải thiện quy trình ra quyết định cho các cấp quản lý của nhà máy và giúp tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên, vận hành và bảo trì nhà máy điện. Số hóa mang lại giá trị không thể phủ nhận cho các mục tiêu an toàn và môi trường, chi phí vận hành và tác động gián tiếp đến lợi ích tài chính", ông Nguyễn Văn Non chia sẻ.
Phấn đấu trở thành công ty hàng đầu phát triển năng lượng tái tạo
Theo phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện là 490.529 - 73.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), trong đó, thủy điện chiếm 29.346 MW (19,5%). Điều này cho thấy nguồn phát thủy điện vẫn chiếm tỷ lệ quan trọng trong hệ thống điện quốc gia…
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, thời gian qua, TMP đã tập trung nguồn lực ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất điện an toàn và hiệu quả; đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ 50 MWp; tiếp tục tiến hành khảo sát nhiều dự án tăng công suất nguồn điện.
Đối với lực lượng sản xuất, bộ phận đào tạo nội bộ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng sửa chữa, vận hành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong đào tạo, xây dựng môi trường học tập hiện đại để hỗ trợ thúc đẩy văn hóa học tập trong toàn TMP. Công ty luôn chú trọng việc tuân thủ quy trình - quy phạm trong công tác bảo dưỡng thiết bị công nghệ, vận hành phát điện.
Bình luận (0)