Trao nụ cười nhận lại nhiều điều hạnh phúc

01/10/2024 14:14 GMT+7

Còn nhớ, một số dự án xã hội mà tôi - một thẩm phán trẻ vừa mới được bổ nhiệm ở tuổi 30 thời điểm đó đề xuất và trực tiếp thực hiện.

1. Dự án: "Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn tự tin hòa nhập cộng đồng" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tài trợ được thực hiện tại Tòa án nhân dân huyện Cai Lậy năm 2006. Các thẩm phán tổ chức: 1 phòng tư vấn tâm lý cùng hàng trăm đầu sách thiếu nhi phục vụ cho các bạn nhỏ được mở ra; 200 em được tham gia bảo hiểm nhân thọ; 10 em được cấp học bổng; 500 em được tặng tập vở, giấy bút, 120 em học giỏi được chọn đi tham quan khu di tích địa đạo Củ Chi (TP.HCM) tất cả các em đều có điểm chung là có cha mẹ ly hôn.

Trao nụ cười nhận lại nhiều điều hạnh phúc- Ảnh 1.

Tác giả cùng các em học sinh

NVCC

Hình ảnh các thẩm phán tòa án ngoài giờ làm việc hành chính phải chạy ngược, chạy xuôi đến thăm từng nhà, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, đó chính là thẩm phán Hoàng Thị Thơ nay là Phó chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, thẩm phán Hồ Thị Ánh Tuyết nay là Phó chánh án TAND thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), Phạm Việt Hải nay là Phó chánh án TAND Q.Bình Tân (TP.HCM)… Đặc biệt, rất biết ơn thẩm phán Nguyễn Trung Trực là Chánh án TAND huyện Cai Lậy nay từ trần lúc đó đã đồng ý cho chủ trương triển khai các dự án.

2. Dự án "Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp giảm thiểu tai nạn giao thông" do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tài trợ năm 2007: Các thẩm phán chủ trì 11 buổi tuyên truyền về luật Giao thông đường bộ được phổ biến trong các trường học trên địa bàn với hàng ngàn học sinh và giáo viên tham gia. Các nội dung thực hiện trong dự án: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử lưu động án vi phạm an toàn giao thông; 100 bản án về vi phạm an toàn giao thông có hiệu lực pháp luật được biên tập để in thành sách tuyên truyền…

Đặc biệt tổ chức cuộc thi "Tai nạn giao thông - người trong cuộc nói", hàng trăm bài viết tham gia… nhiều câu chuyện xúc động được trình bày trong buổi tổng kết, 16 giải thưởng đã được trao cho các tác giả, các tác phẩm có giá trị được tập hợp in thành sách để tuyên truyền; qua cuộc thi giúp phát hiện thêm các trường hợp khó khăn để tặng bảo hiểm hoặc trợ cấp khó khăn đột xuất cho 20 người.

Trao nụ cười nhận lại nhiều điều hạnh phúc- Ảnh 2.

Tác giả và các em học giỏi có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn trong lần tham quan địa đạo Củ Chi, TP.HCM

NVCC

3. Dự án "Tòa án chung tay cùng cộng đồng phòng chống HIV/AIDS" do Bộ Y tế tài trợ năm 2010 cũng được triển khai tại địa bàn huyện Cai Lậy: Các thẩm phán tham gia cùng câu lạc bộ Đồng đẳng phát tờ rơi và bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ, 30 trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối được các thẩm phán đại diện tòa án đến thăm và tặng quà; Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện tổ chức hàng chục buổi cầu siêu, thả hoa đăng cho những người nhiễm HIV/AIDS đã mất tại các chùa lớn trên địa bàn với hàng ngàn phật tử tham gia; tổ chức giao lưu 3 câu lạc bộ những người nhiễm HIV/AIDS của H.Cai Lậy, H.Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang), TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp).

4. Dự án "Tăng cường phổ biến pháp luật để bảo vệ rừng ngập mặn ven biển" do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tài trợ năm 2010, được triển khai tại H.Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc thi Vì màu xanh rừng ngập mặn ven biển dành cho lứa tuổi học sinh tiểu học thu hút hàng nghìn tác phẩm tham gia và trao 30 giải thưởng cho các tác phẩm có giá trị nhất; Tổ chức 10 cuộc hội thảo, tọa đàm phổ biến pháp luật về môi trường cho người dân 2 xã ven biển Phú Đông, Phú Tân…

Khi triển khai nội dung các dự án tôi và các thẩm phán nhận được lắm người khen nhưng cũng không ít kẻ chê, bảo "Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng". Thật ra bản thân làm những công việc nêu trên đều ngoài giờ hành chính, khi đã hoàn thành công việc ở tòa án, đảm bảo số lượng và chất lượng án được phân công, giải quyết. Thời gian đó chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ, các ngày thứ bảy, chủ nhật đều trở thành thời khóa biểu cho công tác xã hội, thậm chí làm việc vào cả ban đêm.

Để thành công cho các mục tiêu công tác xã hội không thể kể đến sự giúp sức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương, đặc biệt là đồng nghiệp, tập thể thẩm phán. Dường như khi tiếp xúc với các hoàn cảnh khó khăn đã biến thành chất xúc tác, thúc giục để họ tự nguyện cộng tác, lao vào làm việc không cần đến danh lợi.

Còn nhớ, một lần tổ chức phát quà cho 100 em có hoàn cảnh khó khăn ở một xã vùng sâu, vùng xa thuộc H.Cai Lậy vào ngày chủ nhật mưa tầm tã, thẩm phán Lý Thanh Lâm (nay là Chánh án TAND H.Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh); Huỳnh Quốc Thịnh, cán bộ của tòa án; bác sĩ tâm lý Nguyễn Trung Tần; nhà văn Huỳnh Thu Trang; nhà thơ Trương Trọng Nghĩa (nay là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang), các sư thầy trụ trì… đã không nề hà xắn quần, đội mưa chung tay khuân quà, lội ruộng hết mình hỗ trợ, đưa đến điểm tập kết.

Các hoàn cảnh khó khăn, những con người cụ thể như nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, các em nhỏ có cha mẹ ly hôn nay phải sống chung với nội, ngoại già, mất sức khỏe, nghèo túng, các em mồ côi cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông, sinh kế của những hộ dân nghèo sống ven biển… đó chính là động lực để thôi thúc các thẩm phán chúng tôi thực hiện liên tiếp các dự án, mong muốn bù đắp một phần thiệt thòi cho các đối tượng dễ tổn thương này.

Tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp tòa án làm công tác xét xử, mọi người ở xung quanh, nhất là giới trẻ, ngoài công việc chuyên môn hãy làm công tác xã hội bắt đầu từ những công việc nhỏ để chung tay giúp các hoàn cảnh khó khăn, khi trao cho họ nụ cười thì mình được nhận lại biết bao nhiêu điều hạnh phúc.

Trao nụ cười nhận lại nhiều điều hạnh phúc- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.