'Bắt' dân hỗ trợ doanh nghiệp

27/11/2017 05:17 GMT+7

Đó là đề xuất ngược đời, lạ lùng của TP.Cần Thơ về việc lấy tiền ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không mở đường bay mới đến Cần Thơ bị ế khách.

Ngân sách là tiền thuế do người dân đóng góp. Lấy ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp cũng có nghĩa là bắt người dân phải gánh phần làm ăn thua lỗ, rủi ro của doanh nghiệp (DN). Đó là chuyện ngược đời thứ nhất.
Quan trọng hơn, nếu các hãng hàng không ế khách được hỗ trợ thì các DN trong nhiều lĩnh vực khác thua lỗ có quyền được đòi hỏi hỗ trợ không? Nếu có thì ngân sách của tỉnh có "kham" nổi? Còn nếu không thì TP giải thích thế nào vì việc ưu tiên hỗ trợ riêng cho các hãng hàng không? Đây không phải hàng hóa, dịch vụ thiết yếu so với rất nhiều vấn đề cấp thiết đang cần phải xử lý ở Cần Thơ như điện, đường, trường, trạm, biến đổi khí hậu, ngập mặn, lũ, bão... TP.Cần Thơ lấy lý do nào để bù lỗ DN này, bỏ mặc DN kia?
Cái ngược đời thứ 2 là một dự án đầu tư bằng tiền ngân sách hiệu quả cực kém nhưng thay vì đánh giá lại và truy trách nhiệm thì Cần Thơ hết lần này đến lần khác đề nghị "bơm" tiền hỗ trợ. Cụ thể theo UBND TP.Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được khánh thành vào đầu năm 2011, năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3 - 5 triệu lượt hành khách/năm nhưng tới năm 2016, lượng hành khách chỉ đạt 550.090 lượt, dự kiến năm 2017 là 612.512 lượt, đạt khoảng 20% công suất thiết kế. Nói tóm lại là sau gần 7 năm đi vào hoạt động, cảng này chỉ đạt 1/5 công suất và tình trạng này chắc chắn còn kéo dài. Bởi nếu thị trường thực sự có nhu cầu, thậm chí chỉ là tiềm năng thôi thì chẳng cần hỗ trợ, chẳng cần mời, các DN cũng tự động kéo đến.
Sẽ có ý kiến cho rằng cảng hàng không là tầm nhìn 10 năm, thậm chí lâu hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn, hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia còn dang dở vì thiếu vốn thì những "tầm nhìn" kiểu này sẽ gây ảnh hưởng đến việc cơ cấu nguồn vốn cho những công trình quốc kế, dân sinh khác. Thử hỏi trong 7 năm cảng hàng không hoạt động cầm chừng kia, có bao dự án cần kíp hơn phải đầu tư để phục vụ nhu cầu thiết yếu của địa phương, của người dân mà không đủ vốn?
Thực ra việc các tỉnh đua nhau mở sân bay nhưng hoạt động không hiệu quả đã được đặt ra nhiều năm trước đây. Theo thống kê, trong 22 cảng hàng không thuộc Tổng công ty cảng hàng không VN quản lý và khai thác trên cả nước chỉ có sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có lãi, hầu hết các sân bay còn lại đều trong tình trạng hòa vốn hoặc thua lỗ. Đây là hệ quả nhãn tiền của việc mở sân bay "cho oai". Nhiều tỉnh, thành ở sát nhau, không có lợi thế du lịch nhưng cũng mỗi tỉnh một sân bay để rồi... ế đều.
Đề xuất của TP.Cần Thơ còn đợi câu trả lời chính thức từ HĐND TP này. Nhưng một chính quyền của dân, vì dân chắc chắn sẽ không bao giờ bắt người dân phải bù lỗ cho DN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.