Thông tin bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu , hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân đang được người dân đặc biệt quan tâm. Nhưng khi nào chính thức bỏ hộ khẩu?
Ngày 30.10, Chính phủ có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó, có quy định “bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”... Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu như: tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, đổi sổ tạm trú... cũng được bãi bỏ. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký ban hành, thế là người dân “hiểu liền” Chính phủ đã bỏ hộ khẩu từ ngày 30.10! Thực ra, nghị quyết này chỉ thông qua phương án đơn giản thủ tục hành chính của Bộ Công an.
[VIDEO] Sổ hộ khẩu: bạn có bị ám ảnh không?
Còn điều kiện quan trọng của việc bỏ sổ hộ khẩu cũng như đơn giản nhiều thủ tục hành chính khác bấy lâu nay phải “dựa” vào hộ khẩu để giải quyết, chính là “thời điểm hoàn thành, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Chính phủ vừa có nghị quyết về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Theo Bộ Công an, Chính phủ đã chủ trương bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân (CMND) trong quản lý dân cư để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân, việc này cần phải có lộ trình, dự kiến đến năm 2019 - 2020.
Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ Công an, cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, nhiều thông tin cho rằng sẽ bỏ hẳn và bỏ ngay hộ khẩu hay CMND là không chuẩn xác. “Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công an sẽ phải thực hiện nhiều công việc để rút gọn các loại giấy tờ thủ tục hành chính”, ông Thắng nói. Trong đó có việc Bộ Công an phải bắt tay ngay vào sửa đổi hàng loạt luật, nghị định, thông tư có liên quan đến quản lý cư trú của dân cư, để khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành thì các văn bản pháp luật bắt đầu thực hiện phù hợp thời điểm.
Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý về trật tự xã hội (PC64), Công an TP.HCM, cũng giải thích về việc hiểu cho đúng chủ trương này: Để triển khai thực hiện, cần phải có lộ trình vì hiện các nội dung thông tin về công dân chưa được cập nhật hết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên C72 chưa thể bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư để quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Về vấn đề người dân ngộ nhận việc bỏ hộ khẩu từ 30.10, sắp tới, PC64 sẽ phối hợp với ban ngành để tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng theo tinh thần chủ trương của Chính phủ.
Chờ lộ trình
Theo đại diện C72, đến nay mới có 16 địa phương trên cả nước thực hiện cấp thẻ căn cước công dân kể từ ngày 1.1.2016, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình.
Chính phủ vừa thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Tại TP.HCM, đến nay Công an TP.HCM đã giải quyết hơn 20% trên tổng số công dân (đủ 14 tuổi trở lên) có hộ khẩu tại TP.HCM làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước. Trung bình mỗi ngày Công an TP.HCM giải quyết hơn 1.000 trường hợp làm thẻ căn cước, nhưng số lượng này ngày càng tăng bởi nhiều trường hợp chuyển từ các tỉnh, thành khác nhập khẩu vào TP.HCM có nhu cầu làm thẻ căn cước. Vậy cần bao nhiêu thời gian, Công an TP.HCM sẽ hoàn tất việc cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân thành phố? “Việc này cần có nhiều thời gian nữa. Thực tế, Bộ Công an chỉ mới triển khai thí điểm ở 16 tỉnh, thành. Cuối năm 2017 mới tổng kết, đánh giá tiến độ thực hiện để từ đó triển khai đại trà tại các tỉnh, thành còn lại. Đến lúc đó, nắm được số lượng công dân thành phố chưa làm thẻ căn cước thì cơ quan chức năng sẽ đưa ra thời hạn cuối. Từ đó mới có cơ sở triển khai việc bỏ hộ khẩu”, một lãnh đạo của PC64, Công an TP.HCM nhìn nhận.
Chiều 5.11, một lãnh đạo Công an TP.Cần Thơ cũng cho biết, khi Nghị quyết 112/NQ-CP được thực thi, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND mà chỉ còn dùng thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân. Theo luật Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quản lý tập trung, thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thuận tiện cho việc cập nhật, khai thác, quản lý và sử dụng. Những dữ liệu này được thu thập và làm căn cứ để cấp mã số định danh cá nhân cho từng công dân. Lãnh đạo Công an TP.Cần Thơ cho biết thêm: Để thực hiện bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu nhằm thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ, cần phải có lộ trình để hoàn thiện thu thập dữ liệu cá nhân trên toàn quốc, khi đó mới tính đến việc bỏ sổ hộ khẩu.
Bỏ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý về cư trú
Mặc dù cơ quan công an khẳng định sẽ quản lý công dân bằng mã số định danh cá nhân thay cho hộ khẩu, CMND được bãi bỏ; tuy nhiên nhiều thủ tục hành chính lâu nay phải “dựa” vào loại giấy tờ này để giải quyết vẫn không thể bỏ ngay lập tức. TP.HCM hiện có khoảng 12 triệu người sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn, nhưng chỉ có khoảng 8,2 triệu “cư dân chính quy” (có hộ khẩu và đăng ký tạm trú), còn lại là hộ khẩu các địa phương khác. Ông Đỗ Văn Thuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1,6 triệu người không tham gia bảo hiểm y tế vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không có hộ khẩu. “Do chưa có hướng dẫn, lộ trình cụ thể nên các thủ tục bảo hiểm liên quan đến điều kiện hộ khẩu vẫn làm theo cách hiện hành. Ngay cả nếu không có hộ khẩu thì cũng chưa thể tham gia ngay được dịch vụ bảo hiểm y tế”, ông Thuyên nói.
Người dân làm thẻ căn cước tại Công an TP.HCM Ảnh: Đào Ngọc Thạch
PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận bỏ sổ hộ khẩu và CMND là một bước tiến lớn trong công tác cải cách hành chính liên quan đến quyền cư trú của đại bộ phận người dân. Hiện nay, hệ thống luật pháp quy định hầu hết các loại thủ tục đều liên quan đến hộ khẩu, CMND, cho nên việc áp dụng quy định mới sẽ không dễ dàng nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ điều chỉnh quy định pháp lý đến nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp. Cần phải hiểu rõ rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND không có nghĩa là bỏ quản lý về cư trú; mà ở đây là việc thay đổi cách thức quản lý từ kiểu thủ công, chồng chéo, rườm rà thủ tục giấy tờ sang một cách quản lý mới tiến bộ hơn, thuận lợi hơn cho công dân.
Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM chưa thể xác định chính xác thời điểm sẽ áp dụng theo quy định mới, bởi còn phụ thuộc hướng dẫn, lộ trình triển khai thống nhất, cụ thể từ T.Ư. Do vậy những thủ tục nào có liên quan đến sổ hộ khẩu, CMND vẫn được duy trì như lâu nay.
Bình luận (0)