Chiều 31.7, Ủy ban Kiểm tra T.Ư ra thông báo về kỳ họp thứ 16 do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng chủ trì, diễn ra từ ngày 25 - 27.7 tại Hà Nội.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư đã kết luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc kỷ luật và xem xét kỷ luật nhiều cá nhân. Cụ thể, đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương, UBKT đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm bà Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang (từ 1.2004 -5.2010). UBKT nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm là nghiêm trọng nên quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Hồ Thị Kim Thoa.
tin liên quan
Ủy ban Kiểm tra làm việc với Bộ Công thương về kỷ luật Thứ trưởng ThoaHôm qua (13.7) Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã làm việc với Bộ Công thương để chính thức công bố kết luận kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của Thứ trưởng bộ này, bà Hồ Thị Kim Thoa.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15, UBKT T.Ư kết luận bà Hồ Thị Kim Thoa đã có một số vi phạm, khuyết điểm. Thứ nhất, vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỉ đồng.
Thứ hai, thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, TP.HCM với Công ty Constrexim (Bộ Xây dựng), khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản. Thứ ba, mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của nhà nước vào Công ty TNHH đầu tư và thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và một số cá nhân
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ giai đoạn 2011 - 2016 đã có các vi phạm, khuyết điểm sau: Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc, các quy định về công tác cán bộ, để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài tại Cơ quan Thường trực BCĐ.
Chưa phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể Thường trực Cơ quan BCĐ và Đảng ủy cơ quan, để một số cá nhân vi phạm quy chế làm việc, quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch công chức, xếp bậc lương, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ.
Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán Cơ quan BCĐ Tây Nam bộ (giai đoạn 2011 - 2016) vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ số tiền trên một trăm tỉ đồng.
tin liên quan
Xem xét kỷ luật đảng đối với Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộỦy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Quốc Việt, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật đảng.
|
Cá nhân ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó trưởng ban thường trực, Thủ trưởng Cơ quan Thường trực BCĐ Tây Nam bộ, giai đoạn 2011 - 2016: chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cơ quan Thường trực BCĐ Tây Nam bộ giai đoạn 2011 - 2016.
Vi phạm Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc cho chủ trương và quyết định về công tác tổ chức, cán bộ; trực tiếp ký bổ nhiệm 32 trường hợp không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có trường hợp Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Tiến Khoa.
Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới làm trái các quy định về quản lý tài chính, tài sản; để ngoài sổ sách kế toán số tiền trên một trăm tỉ đồng; lập chứng từ khống để rút ngân sách nhà nước và tiền tài trợ, gây thất thoát nghiêm trọng tiền, tài sản của nhà nước.
Vi phạm trong việc chuyển giao hơn 2.000 m2 đất của Cơ quan BCĐ cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ.
Vi phạm quy định của Đảng trong việc tự nhận đề cử chức Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ. Lấy danh nghĩa BCĐ để vận động tài trợ cho hội là không đúng chức năng, nhiệm vụ của BCĐ.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng BCĐ Tây Nam bộ: cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cơ quan Thường trực BCĐ.
Trực tiếp ký 11 quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Ký ban hành một số văn bản không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Quy chế làm việc của BCĐ; ký văn bản đề nghị UBND TP.Cần Thơ giao đất của Cơ quan BCĐ cho Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam bộ không đúng quy định.
Vi phạm các nguyên tắc, quy định của Đảng trong việc quyết định tiếp nhận và phân công nhiệm vụ cho một số đảng viên.
Ngoài hai cá nhân trên, UBKT đã kiểm tra và kết luận vi phạm, khuyết điểm của chánh văn phòng, nguyên chánh văn phòng, kế toán trưởng, nguyên kế toán trưởng, thủ quỹ và nguyên thủ quỹ của Cơ quan BCĐ giai đoạn 2011 - 2016. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Quốc Việt và một số cá nhân trong Cơ quan Thường trực BCĐ đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của BCĐ, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật đảng.
Đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất VN và một số cá nhân
Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn hóa chất VN nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 đã: Thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; không xem xét, xử lý trách nhiệm đối với một số cán bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm. Điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước.
Thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tập đoàn và một số công ty trực thuộc không bảo toàn được vốn chủ sở hữu; hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng, trong đó nhiều công ty thua lỗ liên tục 2 năm trở lên, điển hình như Công ty đạm Ninh Bình lỗ 4 năm liền; một số công ty của tập đoàn góp vốn thành lập các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả. Vi phạm trong quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả và việc trích lập quỹ; trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả.
Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư. Đối với dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song HĐTV và tổng giám đốc tập đoàn vẫn trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, dẫn đến liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỉ đồng. Nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỉ đồng.
HĐTV và tổng giám đốc tập đoàn thiếu kiểm tra, giám sát để Ban Quản lý dự án đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng; có nhiều vi phạm trong ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán với nhà thầu, chậm quyết toán hoàn thành dự án; một số dự án sai phạm từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán và thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, làm tăng tổng mức đầu tư; có dự án phải tạm dừng thanh toán cho nhà thầu do không có kinh phí.
Cá nhân ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV: chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015. Với trách nhiệm người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn nhà nước giao.
Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.
Ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hóa chất VN: Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong chỉ đạo thực hiện dự án đạm Ninh Bình ở giai đoạn đầu, cụ thể là thiếu trách nhiệm khi trình cấp có thẩm quyền Báo cáo tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong khi Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất VN chưa được phê duyệt. Mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song ông Dũng vẫn trình cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư. Đến nay, dự án hoạt động không hiệu quả, thua lỗ rất nghiêm trọng, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu của nhà nước.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn: Chịu trách nhiệm chung về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn. Với cương vị người đứng đầu, ông Tuấn đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý vốn, tài sản, đất đai, đầu tư. Chịu trách nhiệm khi ký các quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trái với ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
|
Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP số 2 Lào Cai.
Chịu trách nhiệm chính trong việc ban hành nghị quyết của HĐQT về thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp tại số 233B Nguyễn Trãi Hà Nội trái quy định.
Ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó bí thư Đảng ủy cơ quan; nguyên Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc tổng công ty; nguyên thành viên HĐTV, Tổng giám đốc tập đoàn: Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý vốn, tài sản, đất đai, đầu tư của tập đoàn. Chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định và triển khai dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc và dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm trong việc ban hành văn bản về dự án đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp tại số 233B Nguyễn Trãi, Hà Nội trái quy định.
Ông Nguyễn Gia Tường, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc tập đoàn: Chịu trách nhiệm chung về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn. Chịu trách nhiệm cùng với tập thể HĐQT, HĐTV tập đoàn về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong việc ban hành các nghị quyết, quyết định các dự án và quản lý đất đai; buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của tập đoàn.
Ông Nguyễn Đình Khang, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên thành viên HĐTV, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn; nguyên Ủy viên HĐQT tổng công ty: Chịu trách nhiệm chung về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn trong quản lý vốn, tài sản, đất đai, đầu tư của tập đoàn.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015 và các ông Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Quang Chiêu, Nguyễn Quốc Tuấn, Đỗ Duy Phi là rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Khuyết điểm, vi phạm của ông Nguyễn Gia Tường và ông Nguyễn Đình Khang chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật, UBKT T.Ư yêu cầu hai ông kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
“Tập đoàn” gia đình của bà thứ trưởng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty bóng đèn Điện Quang là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thành lập năm 1993 thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn cổ phần hóa vào năm 2005, bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn và hành vi vi phạm pháp luật, công ty đã trở thành “sân sau” của gia đình bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và mang lại cho gia đình vị thứ trưởng này một khối tài sản khổng lồ.
Báo cáo tài chính của CTCP Điện Quang (DQC) cho biết bà Thoa hiện đang nắm giữ gần 1,7 triệu cổ phiếu (CP), đóng cửa phiên giao dịch chiều 24.7, DQC có mức giá 43.700 đồng, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Thoa đạt gần 75 tỉ đồng. Con gái bà Thoa là N.T.N sở hữu CP DQC trị giá 235 tỉ đồng, giữ vị trí thứ 108 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán VN. Ông H.Q.H, em trai bà Thoa, cũng là cổ đông lớn sở hữu hơn 2,5 triệu CP DQC, trị giá gần 110 tỉ đồng. Với khối tài sản này, ông H. lọt vào top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán.
N.T.Q.L, một cô con gái khác của bà Thoa sở hữu hơn 2,2 triệu CP DQC, tương đương hơn 96 tỉ đồng. Bà T.T.M.X, mẹ bà Thoa, cũng sở hữu 1,2 triệu CP DQC, tương đương hơn 52 tỉ đồng. Như vậy, cả gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu lượng CP DQC tương đương 568 tỉ đồng.
Đó là chưa kể, tại CTCP nhựa Rạng đông (mã RDP) ông H.Đ.L, em trai bà Thoa, là chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc hiện nắm giữ 16,4 triệu CP, chiếm 64,74% vốn điều lệ và H.P.H, con trai ông L., nắm giữ 1,1 triệu CP, chiếm 4,94% vốn điều lệ. Với giá đóng cửa chiều 24.7 là 23.150 đồng/CP, tổng giá trị CP hai bố con ông L. sở hữu lên tới hơn 400 tỉ đồng.
Tổng cộng tính đến ngày 24.7, tổng giá trị CP mà gia đình, họ hàng của bà Thoa sở hữu ở DQC, RDP khoảng 968 tỉ đồng.
Trong quá trình giữ chức quyền tại DQC, để tăng cổ phần, bà Thoa và lãnh đạo công ty dùng những thủ thuật, chiêu trò nâng vốn điều lệ. Ví dụ, ngày 13.8.2008, bà Thoa mua thêm 200.000 CP DQC, ngày 11.11.2008 mua thêm 62.200 CP... Hành vi của bà Thoa lúc đó, theo Ủy ban Chứng khoán, là phát hành CP riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, phát hành CP ưu đãi cổ tức cho cán bộ công nhân viên trong công ty để tăng vốn điều lệ từ 63,17 tỉ đồng lên 80 tỉ đồng nhưng không báo cáo. Công ty cũng không công bố thông tin bất thường. Các hành vi này đã vi phạm luật Chứng khoán và quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Song đáng tiếc, công ty này chỉ bị phạt mấy chục triệu đồng và vụ việc rơi vào im lặng.
Những bất thường còn đến từ quá trình cổ phần hóa DQC mà bà Thoa là người trực tiếp thực hiện. Thời điểm 31.12.2003, giá trị sổ sách để cổ phần hóa của công ty là 245 tỉ đồng. Nhưng theo QĐ số 127 ngày 10.11.2004 do Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu ký chuyển Công ty bóng đèn Điện Quang thành CTCP bóng đèn Điện Quang, vốn điều lệ chỉ là 23,5 tỉ. Đồng thời tại thời điểm này công ty còn được xóa khoản lỗ kinh doanh trên 28 tỉ để thực hiện cổ phần hóa (!).
Anh Vũ
|
Kỷ luật nguyên Giám thị và nguyên Phó giám thị Trại giam Thạnh Hòa
Cũng tại kỳ họp 16, UBKT T.Ư đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên giám thị và ông Lưu Hoàng Vũ, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó giám thị Trại giam Thạnh Hòa, Tổng cục VIII, Bộ Công an. Theo đó, ông Thanh trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám thị và ông Vũ trong thời gian giữ chức vụ Đảng ủy viên, Phó giám thị Trại giam Thạnh Hòa, đã thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định trong việc xem xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân. Vi phạm của hai cá nhân này đã ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước ta đối với người phạm tội. UBKT quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Thanh và kỷ luật khiển trách đối với ông Lưu Hoàng Vũ.
Ngoài ra, UBKT T.Ư đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng theo thẩm quyền 4 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật 2 trường hợp thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư và Ban Chấp hành T.Ư.
|
Bình luận (0)