Xe

Chính sách ô tô 'nóng' hội nghị thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ

30/03/2018 14:30 GMT+7

Trước kiến nghị chưa thực thi một số quy định trong Nghị định 116, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Nhà nước không cản trở nhập khẩu ô tô, song nếu người tiêu dùng chỉ chạy xe nhập thì đó là điều không mong muốn.

Câu chuyện chính sách cho ngành ô tô nhận được nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng diễn ra sáng nay, 30.3, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Phát biểu tại diễn đàn này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho hay, năm 2017, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do tác động về giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về mốc 30 % và sau đó về 0% vào năm 2018. Theo đó, số lượng ô tô sản xuất năm 2017 trên địa bàn Vĩnh Phúc giảm 20 % so với năm 2016, và dự báo năm 2018 vẫn có những khó khăn do các chính sách liên quan đến ngành ô tô.
Do sản xuất ô tô trên địa bàn giảm, thu nội địa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ảnh hưởng theo. Theo đó, năm 2017, thu ngân sách của tỉnh này hụt hơn 5.000 tỉ đồng, mà phần hụt thu đến chủ yếu từ mặt hàng ô tô với sự góp mặt của các nhà sản xuất lắp ráp, như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piagio Việt Nam.
Do đó, ông Trì nhấn mạnh, những chính sách phát triển sản xuất đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là rất quan trọng đối với một số tỉnh có hoạt động sản xuất ô tô như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hải Dương, Ninh Bình.
Ở chiều ngược lại, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam (Vama), lại kiến nghị một số chính sách liên quan đến Nghị định 116 có hiệu lực hồi tháng 10.2017, để ngăn chặn đà sụt giảm của ô tô nhập khẩu.
Theo ông Chấn, nhập khẩu ô tô từ một số nước Đông Nam Á đã tăng trở lại, song từ thị trường các nước phát triển như châu Âu vẫn tiềm tàng nhiều khó khăn. Từ đó, đại diện Vama đề xuất các cơ quan quản lý chấp nhận cho doanh nghiệp nhập khẩu được nộp giấy chứng nhận chất lượng và kiểu loại của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì quy định mới là phải có giấy từ cơ quan chuyên môn nước ngoài. Cùng với đó là chưa áp dụng quy định về đường thử mới…
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong xu hướng ô tô hóa mạnh mẽ, nếu chỉ nhập khẩu ô tô về để dùng thì không phải là chính sách mà Nhà nước mong muốn. “Nhiều nước phát triển dựa vào công nghiệp ô tô vì nó kéo theo công nghiệp phụ trợ đi kèm. Chúng ta vui mừng vì Việt Nam đã có một số doanh nghiệp có tiềm lực đã đi vào sản xuất lắp ráp để tạo ra ô tô có thương hiệu Việt”, Phó thủ tướng nói, đồng thời cho rằng Chính phủ vẫn tạo điều kiện để ô tô nhập khẩu, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, các cam kết mà Việt Nam tham gia, nhưng vẫn ưu tiên sản xuất trong nước để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Về sản xuất ô tô tại Việt Nam, Bộ Tài chính vừa có văn bản ghi nhận ý kiến của của Tập đoàn Thành Công và Bộ Công thương liên quan đến việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phần giá trị sản xuất trong nước cho ô tô.
Cụ thể, Tập đoàn Thành Công kiến nghị miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc của Tập đoàn Thành Công, đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.