Chúng ta đang bán rẻ tài nguyên!

03/04/2018 15:11 GMT+7

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc giá xi măng xuất khẩu chỉ rẻ bằng 50 % giá các nước trong khu vực không phải là điều nên tự hào mà phải lo lắng vì đang bán tài nguyên với giá thấp.

Câu chuyện giá xi măng trở thành chủ đề được quan tâm khi Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đến kiểm tra nhiệm vụ Thủ tướng giao đối với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), diễn ra sáng nay (3.4).
Báo cáo của VICEM cho biết, giá xi măng của Việt Nam hiện nay vào loại thấp nhất khu vực khi măng bao dân dụng trong nước giá khoảng 48-50 USD/tấn. Con số này của Thái Lan là 65 USD/tấn, Indonesia vào khoảng 102 USD/tấn, Philippines cũng xấp xỉ 100 USD/tấn.
Nghe vậy, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc giá xi măng thấp là điều cần xem lại, không chỉ riêng với VICEM mà cả tổng thể ngành xi măng. “Điều đó có phải do ta đang sử dụng tài nguyên với mức định giá rất rẻ? Nếu xuất khẩu xi măng sang các nước mà giá chỉ rẻ bằng 1/2 so với Philippines hay Indonesia như báo cáo nói thì rõ ràng là chúng ta đang bán rẻ tài nguyên”, ông Cung lo ngại.
Đồng ý cách tiếp cận này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh rằng, với nguyên lý phát triển kinh tế phải chấp nhận sự đánh đổi, thì những ngành khai thác tài nguyên như xi măng, sự đánh đổi càng lớn hơn. “Với tất cả những thách thức chỉ ra, từ vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng môi trường, năng suất lao động… thì VICEM đang buộc phải bán chứ không nên vui mừng", TS Thiên bày tỏ.
Theo ông Thiên, trong khi chiến lược các nước là đóng cửa dần nhà máy xi măng thì ở Việt Nam, việc mở rộng lại được đánh giá cao, các nhà máy lại phát triển tưng bừng. “Việc này đương nhiên phấn khởi với VICEM nhưng với cả đất nước thì có nên phấn khởi không?”, ông Thiên đặt câu hỏi. “Sao nói xi măng của ta tốt mà vẫn bán giá đó, hay buộc phải bán giá thấp? Nếu nói đây là chiến lược thì tôi chưa bao giờ thấy Việt Nam đủ sức dùng chiến lược cá mẹ, đánh chiếm thị trường bằng giá thấp, rồi về sau tăng giá”, TS Thiên tự trả lời câu hỏi của mình.
Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, giá bán xi măng của Việt Nam vẫn tương đương các nước trong khu vực nhưng giá thành (sản xuất) thì cạnh tranh hơn. “Chúng tôi cũng không khuyến khích xuất khẩu xi măng nhưng vẫn phải có để đảm bảo sản xuất”, ông Khánh nói.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải nói rằng, Tổng Công ty không tăng sản lượng tràn lan mà tập trung tăng giá trị gia tăng, hiệu quả. Và bằng chứng là 4 năm qua, doanh số của VICEM không tăng nhưng lợi nhuận liên tục tăng ở mức cao. Ông Khải dẫn chứng,  lợi nhuận trước thuế 2016 là 2.662 tỉ đồng (doanh thu 30.056 tỉ). Sang năm 2017, doanh thu giảm còn 34.158 tỉ song lợi nhuận vẫn tăng lên 2.850 tỉ đồng. Mức lợi nhuận dự kiến năm 2018 sẽ vượt mốc 3.000 tỉ đồng. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng ghi nhận VICEM đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Hiện nay, Tổng Công ty đang chiếm khoảng 35 % trong thị phần 90 triệu tấn xi măng của Việt Nam. Cùng với đó, các công ty liên doanh với VICEM cũng chiếm khoảng 26-27 % thị phần.

Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá trong thời gian qua, VICEM đã đạt nhiều kết quả đáng mừng như xuất khẩu khá, sản xuất tới đâu tiêu thụ đến đấy. Tổng Công ty cũng đi đầu trong ứng dụng các công nghệ mới, tận dụng điện năng, thay thế các nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị…

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, về nhiệm vụ Thủ tướng giao, tính từ đầu năm 2017 tới nay, VICEM được giao 18 nhiệm vụ, đã hoàn thành 16 nhiệm vụ. Còn 2 nhiệm vụ đang thực hiện trong thời hạn cho phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.